Giá cá tra thương phẩm tăng, nhưng người nuôi lãi thấp

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tăng từng ngày và đang đứng ở mức cao. Thế nhưng, doanh nghiệp chế biến và cả người nông dân đều kém vui, bởi người mua thì khan hiếm nguyên liệu, người bán thì huề vốn thậm chí lỗ vì chi phí sản xuất quá cao.

Chưa vội thả nuôi

Tại ĐBSCL, giá cá tra sau thời gian giảm gần chạm đáy vì dịch bệnh nay đã dần phục hồi và neo giữ ở mức cao. Giá cá tra tăng một phần do dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng được nối lại, phần khác do nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng cá tra đang vô cùng khan hiếm đã tác động lớn đến giá cá.

Nhiều hộ nuôi cá tra tại thành phố Cần Thơ, Hậu Giang cho biết: Cá tra nguyên liệu hiện được các thương lái thu mua với mức giá 33.000 đồng/kg, tăng từ 2.000 – 3.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Với mức giá này, những hộ thả nuôi cá từ tháng 10 năm ngoái đến nay sẽ có lời, bởi thời điểm đó giá thức ăn và chi phí sản xuất chưa có nhiều biến động, thế nhưng việc đầu tư thả nuôi hay xuất bán thời điểm này là điều mà các hộ chăn nuôi không mấy mặn mà.

giá cá tra

Giá cá tra tại ĐBSCL đang tăng

Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Ngọc Hải, ngụ quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, người có thâm niên mấy chục năm vui buồn cùng loài cá da trơn này, trần ngâm: “Giá thức ăn năm ngoái so với năm nay tăng 30%. Các chi phí con giống, thuốc phòng trị bệnh đều cũng tăng theo. Những người nuôi cách đây 7 – 8 tháng thì bán giá này có lãi, do giá thức ăn còn thấp. Nếu giá cá quay đầu giảm thì người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí không trụ nổi nên nhiều người chần chừ chưa tiếp tục thả nuôi vụ mới”.

Thực tế những năm qua, con cá tra giúp nhiều hộ vươn lên khá giàu nhưng cũng làm không ít người điêu đứng, dịch bệnh nhiều hộ bỏ ao hoặc nuôi cầm chừng. Bên cạnh đó, cá tra tới kỳ xuất bán bị ảnh hưởng dịch bệnh không có đầu ra dẫn đến quá lứa, đội chi phí sản xuất lên rất cao. Thế nên, giá cá tra nguyên liệu thu mua cao giúp người nuôi có lợi nhuận, nhưng không nhiều, thậm chí huề vốn. HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy có 22 thành viên, hiện còn khoảng 50 tấn cá tra nguyên liệu. Dù giá bán tăng nhưng nhiều thành viên của HTX vẫn chưa vội thả nuôi lại.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng, bộc bạch: “Giá thức ăn chưa ổn định, trước đây khoảng 10.000 đồng/kg, nay tăng thêm khoảng 5.000 đồng. Bà con nuôi giỏi tốn khoảng 1,5 – 1,7 kg, với giá thức ăn như hiện nay tính ra từ lúc nuôi đến lúc đạt trọng lượng 1 kg/con người nuôi phải tốn khoảng 25.000 đồng tiền thức ăn cho cá, đó là chưa kể tiền mua cá giống nên bà con chưa dám tái sản xuất, giờ treo hầm, nuôi cá tạp. HTX chỉ có 1 – 2 hộ có cá để bán, đây là số cá còn lại sau đợt dịch vừa qua, tính ra phá huề do giá thức ăn tăng cao”.

Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu

Nông dân ngại thả nuôi mới dù giá cá nguyên liệu nhích lên vô tình đẩy nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng cá tra vào thế khó. Nhất là khi hoạt động xuất khẩu bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau dịch Covid-19.

Đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang, cho hay: Từ khi qua dịch đến nay, đơn vị bị động về nguồn nguyên liệu đầu vào. Để duy trì sản xuất, đơn vị phải nhờ vào nguồn cá tra từ vùng nuôi của công ty cung cấp xuống nhà máy. Doanh nghiệp có 2 xưởng sản xuất với khoảng 2.000 công nhân, cao điểm có thể cần tới 40 tấn cá tra/ngày. Thế nhưng hiện nay, chỉ có 1 xưởng hoạt động với 500 công nhân, khả năng tiếp nhận xử lý 20 mấy đến 30 tấn/ngày, do không đủ nguyên liệu.

Chị Hồ Thị Cẩm Nhung, Phòng tổ chức Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông Hậu Giang, cho biết: “Trước khi dịch, chúng tôi thu nguyên liệu hầm cá ở tỉnh Sóc Trăng. Thời điểm này, lượng cá trong dân không còn nhiều, họ ngại thả nuôi mới. Đơn hàng từ đây đến cuối năm còn nhiều lắm, nguy cơ không đủ nguồn nguyên liệu để làm”.

Số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 3-2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II/2022.

Ông Ngô Minh Long, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, cho biết: Diện tích nuôi cá tra của Hậu Giang trước đây trên dưới 100 ha, trong đó diện tích thả nuôi thường xuyên từ 30 – 40 ha. Ao nuôi cá tra không có lời, chuyển sang nuôi các loại các khác, thậm chí treo ao. Xét về diện tích thực tại của tỉnh nuôi cá tra được tốt rất nhỏ.

“Hiện nay về chủ trương chung Hậu Giang không thống nhất, đào thêm ao nuôi cá tra nữa, do rủi ro cao. Thực sự những người nuôi cá tra rất khó để thành chuỗi, ít ra phải có hệ thống sản xuất, có hệ thống bao tiêu, thức ăn… nên Hậu Giang không mạnh như An Giang, Đồng Tháp…”, ông Long nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, để đảm bảo ngành cá tra phát triển sản xuất và xuất khẩu ổn định, Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra, phục vụ nuôi thương phẩm. Chỉ đạo sản xuất, cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành sản xuất…

Bài, ảnh: Nguyên Toàn

Nguồn: Báo Hậu Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!