Gia hóa tôm bố mẹ: Cần tuân thủ quy định

Chưa có đánh giá về bài viết

Cả nước hiện có 185 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng (TTCT), với 20 tỷ con/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng; tuy nhiên, nguồn TTCT bố mẹ hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Để giảm chi phí, nhiều đơn vị đã gia hóa tôm bố mẹ thành tôm giống; nhưng việc này cần phải tiến hành bài bản, đúng quy định.

Đây cũng là những chia sẻ của ông Bùi Đức Quý (ảnh), Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, kiêm Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm – Kiểm nghiệm – Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản.

 

Trước tình hình nguồn Tôm giống chất lượng còn thiếu, việc Việt Nam thực hiện gia hóa tôm bố mẹ là cần thiết không, thưa ông?

Việc làm này rất cần thiết; Tổng cục Thủy sản cũng luôn khuyến khích các đơn vị tham gia thực hiện. Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục chủ trì xây dựng Chương trình phát triển TTCT bố mẹ, dự kiến thực hiện từ tháng 5/2013 đến 12/2020, nhằm xây dựng được nguồn vật liệu di truyền, đánh giá vật liệu di truyền, chọn tạo tôm bố mẹ, nhân đàn và cung cấp tôm bố mẹ cho sản xuất giống đại trà. Do đó, sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất nhờ nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, chất lượng cao, giá rẻ; thúc đẩy nghề nuôi TTCT phát triển hiệu quả, bền vững.

 

Việc gia hóa đàn tôm bố mẹ cần đảm bảo tiêu chuẩn thế nào?

Bộ NN&PTNT sắp ban hành thông tư về quản lý giống thủy sản; trong đó có quy định phạm vi, đối tượng áp dụng (các tổ chức, cá nhân có sản xuất, kinh doanh giống thủy sản).

Về điều kiện sản xuất đàn thủy sản bố mẹ, cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận đầu tư giống thủy sản; Địa điểm xây dựng phải theo quy hoạch của địa phương hoặc có văn bản cho phép của cơ quan thẩm quyền; Có ít nhất một nhân viên kỹ thuật NTTS trình độ trung cấp trở lên; Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp sinh sản của từng loại thủy sản (nhà xưởng, kho vật tư, nơi khử trùng, ao hoặc bể nuôi vỗ đàn thủy sản bố mẹ…); Có bảng hiệu, địa chỉ; Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giống đã công bố, thực hiện ghi nhãn giống thủy sản sau khi lưu thông; Sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường, thức ăn và chất bổ sung thức ăn thủy sản có trong danh mục được lưu hành tại Việt Nam; Đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ NN&PTNT ban hành; Có hồ sơ theo dõi quá trình sản xuất kinh doanh giống. Đồng thời, các cơ sở phải được Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý NTTS tại địa phương kiểm tra, đánh giá.

 

Việc kiểm nghiệm, kiểm định trước khi đưa vào sản xuất sẽ được tiến hành ra sao?

Tổng cục Thủy sản đã giao Trung tâm  Khảo nghiệm – Kiểm nghiệm – Kiểm định Nuôi trồng Thủy sản, kiểm nghiệm giống trên các phương diện: sức sinh trưởng, phát triển phù hợp điều kiện, môi trường Việt Nam; mức độ ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe con người. Chất lượng đàn thủy sản bố mẹ phải theo tiêu chuẩn cơ sở kinh doanh đã công bố, được kiểm tra xét nghiệm bệnh trước khi cho sinh sản (với TTCT, thời gian dùng tôm bố mẹ để sản xuất không quá 5 tháng kể từ ngày nhập về cơ sở; dùng cho sinh sản không quá số lần đẻ). Về việc kiểm tra chất lượng giống nhập khẩu, cần lập hồ sơ gửi cơ quan kiểm tra, sau khi có xác nhận vào giấy đăng ký kiểm tra mới được sản xuất.

Một số doanh nghiệp ở Việt Nam đã chủ động gia hóa tôm bố mẹ – Ảnh: Trần Út

 

Vai trò các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương trong quản lý nguồn giống nhập khẩu và quá trình sản xuất giống thủy sản có gì đáng nói nhất?

Tổng cục Thủy sản cần thống nhất quản lý giống thủy sản, kiểm tra cơ sở sản xuất giống thủy sản tại nước nhập khẩu, thẩm định hồ sơ đăng ký, đánh giá và công nhận đủ điều kiện, sau đó trình Bộ danh mục giống được phép sản xuất, kinh doanh. Cơ quan quản lý địa phương cần kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất và nguồn giống; hàng năm tiến hành tập huấn, phổ biến quy định về giống và kỹ thuật sản xuất giống; báo cáo Tổng cục về tình hình sản xuất, kinh doanh và chất lượng giống tại địa phương theo định kỳ. Cơ sở khảo nghiệm giống cần kiểm nghiệm, khảo nghiệm theo quy định.

 

Từ việc gia hóa tôm của Công ty TNHH Việt – Úc, Tổng cục Thủy sản có khuyến cáo gì với người dân, thưa ông?

Việc làm đó rất được khuyến khích, song phải theo đúng pháp luật. Tổng cục mong muốn có nhiều đơn vị thực hiện gia hóa, nhưng phải được cấp phép, được hội đồng khoa học đánh giá, trình Bộ công nhận rồi mới sản xuất đại trà. Để mang lại hiệu quả, tránh việc sản xuất tự phát không theo quy định; cần phối hợp đồng bộ (cơ quan quản lý, nghiên cứu, nhà đầu tư…). Đồng thời, các địa phương cần theo dõi các đơn vị kinh doanh, sản xuất giống, phát hiện kịp thời trường hợp vi phạm để có biện pháp xử lý thích hợp, tránh tình trạng đưa giống nhập lậu không rõ nguồn gốc vào sản xuất rồi tung ra thị trường, ảnh hưởng xấu tới sản xuất. Bởi giống là nhân tố quan trọng đối với thành công vụ nuôi.

>> Ông Bùi Đức Quý cho biết: Năm 2012, diện tích nuôi TTCT đạt 38.169 ha, chiếm 5,8% diện tích nuôi tôm nước lợ, sản lượng 182.112 tấn (bằng 36,5% tổng sản lượng nuôi tôm); tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang… Để đáp ứng nhu cầu nuôi, nguồn tôm giống vẫn phải nhập khẩu, với chi phí 30 – 80 USD/cặp, đẩy giá thành sản xuất tăng cao, không chủ động được thời gian sản xuất, không kiểm soát được chất lượng tôm bố mẹ, không quản lý được dịch bệnh…

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!