Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã: Người chăn nuôi gặp khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Vài tháng gần đây, thức ăn chăn nuôi từ heo, gia cầm đến thủy sản đều đồng loạt tăng giá với mức tăng cao. Người chăn nuôi lao đao vì giá thức ăn làm đội giá thành sản xuất trong khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, giá bán nhiều loại gia cầm, thủy sản thấp hơn nhiều so với trước do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng do ngành Chế biến thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thời gian qua, nhiều loại nguyên liệu trên thị trường thế giới tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến ngành Sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước.

 

Người nuôi lao đao

Khảo sát trên thị trường, giá các loại thức ăn chăn nuôi đều tăng mạnh so với trước. Cụ thể, trong khoảng nửa năm trở lại đây, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng từ 3-5 lần, có loại tăng 6-7 lần so với trước đó. Đặc biệt sau Tết Nguyên đán 2021, giá các loại thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng đột biến khiến giá thành các loại sản phẩm chăn nuôi đội giá hơn nhiều so với trước.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm chăn nuôi bị chậm lại, giá bán đồng loạt giảm nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi lao đao. Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và với mức tăng quá cao như hiện nay là nguyên nhân khiến người chăn nuôi khó trụ lại ổn định sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Hậu, nông dân nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) cho biết, cá chép từ trước Tết Nguyên đán 2021 có thời điểm chỉ 23 – 24 ngàn đồng/kg. Hiện giá có nhích lên khoảng 29 ngàn đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. “Hiện giá cám lên đến 395 ngàn đồng/bao 25 kg, tăng hơn 70 ngàn đồng/bao, mức tăng cao nhất từ nhiều năm trở lại đây. Giá thức ăn chăn nuôi có mức tăng khủng như hiện nay khiến áp lực thua lỗ càng đè nặng lên người chăn nuôi, nhiều người đã ngưng nuôi vì không thể gồng nổi, bởi với giá bán cá như hiện nay, cá có tăng trưởng tốt cũng khó mà có lợi nhuận” – ông Hậu lo lắng.

thức ăn cho cá

Nông dân nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) lao đao vì giá cá thấp trong khi thức ăn chăn nuôi tăng phi mã. Ảnh: B.Nguyên

Cùng nỗi lo, ông Nguyễn Văn Mẫn, nông dân nuôi gà, vịt tại xã Nhân Nghĩa (H.Cẩm Cẩm Mỹ) cho biết, sau nhiều lần điều chỉnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng thêm khoảng 30% so với trước. Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến chi phí đầu vào bị đội lên rất lớn. Trong khi đó, suốt thời gian dài qua, gà, vịt thường bán với giá thấp, nhiều thời điểm bán dưới giá thành sản xuất vì thị trường tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với tình trạng này, nhiều người chăn nuôi đã “treo chuồng” vì thua lỗ, những người còn nuôi có thể cũng khó cầm cự được.

 

Ảnh hưởng đến ngành Chăn nuôi

Theo người chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi chiếm tỉ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm chăn nuôi. Thức ăn chăn nuôi tăng giá và vẫn tiếp tục trên đà tăng đã tác động trực tiếp đến giá thành chăn nuôi trong nước.

Ông Trần Văn Kiệt, người nuôi cá bè tại sông La Ngà (H.Định Quán) nhận xét, hiện cá diêu hồng tôi đang bán được 39 ngàn đồng/kg, là mức giá khá tốt so với mặt bằng các loại cá khác nhưng người nuôi hầu như huề vốn vì giá cám tăng quá cao. Nhiều người nuôi cá khác đều đang gồng mình chịu lỗ vì giá bán cá thì thấp mà giá cám tăng quá cao làm đội giá thành sản xuất. “Nếu giá cám vẫn tiếp tục tăng thì vụ tới, nhiều người nuôi không dám đầu tư vì càng nuôi càng lỗ” – ông Kiệt nói.

Ngay cả với con heo, là mặt hàng đang có giá bán tốt hiện nay, người chăn nuôi cũng đối mặt với nhiều rủi ro vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao. Ông Nguyễn Văn Trung, chủ trại heo tại xã Lộ 25
(H.Thống Nhất) phân tích, hiện giá con giống và các chi phí đầu vào khác đều tăng cao, trong đó, giá cám tăng phi mã là nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất tăng lên rất cao. “Theo tôi tính toán với giá cám như hiện nay, giá thành sản xuất 1 kg heo hơi phải hơn 60 ngàn đồng/kg; dịch tả heo châu Phi lại chưa có vaccine phòng nên rủi ro là rất lớn. Với tình hình này, nhiều người nuôi heo không dám tái đàn” – ông Trung phân tích.

Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đồng Nam bộ, ngành Chăn nuôi gia cầm gặp rất nhiều khó khăn trong hơn 1  năm qua vì thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên rất nhiều. Giá đầu ra giảm trong khi chi phí chăn nuôi tăng mạnh và dự đoán mức tăng này chưa ngừng lại ảnh hưởng nặng nề đến ngành Chăn nuôi gia cầm, thậm chí có nguy cơ đe đọa khiến ngành này phá sản.

>> Trong tháng 3-2021, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 83,5 triệu USD, tăng 17,8% so với tháng trước. Lũy kế trong quý I-2021, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này ước đạt 218,6 triệu USD, tăng khoảng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo một số đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi dự báo, giá bán lẻ các loại thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng vì giá nguyên liệu thế giới vẫn trên đà tăng cao.

Bình Nguyên

Nguồn: Báo Đồng Nai

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!