Quá thời gian nuôi nhưng không thể xuất bán trong khi chi phí nuôi ngày một tăng, giá cám lại cao khiến nhiều hộ nuôi cá như ngồi trên đống lửa.
Gia đình anh Nguyễn Văn Đình, xã Điệp Nông nuôi 30 lồng, chủ yếu là cá diêu hồng, chép, trắm, lăng, rô phi, mỗi năm xuất bán gần 100 tấn cá. Anh Đình cho biết: Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cửa hàng, quán ăn, trường học, điểm tham quan du lịch đều dừng hoạt động khiến sức tiêu thụ của thị trường giảm mạnh. So với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, giá cá các loại giảm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, cá trắm hiện có giá 45.000 đồng/kg, cá rô phi 31.000 đồng/kg, cá chép 42.000 đồng/kg, cá diêu hồng 36.000 đồng/kg; trong khi đó, giá cám lại tăng gần 100.000 đồng/bao 25kg. Hiện tại tôi đang phải bù lỗ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg cá.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản mong muốn Nhà nước có cơ chế hỗ trợ kịp thời để người dân tiếp tục sản xuất.
Tương tự, gia đình ông Lê Huy Hòa, xã Hồng An đang chịu áp lực rất lớn về việc giải quyết thức ăn cho cá. Thay vì nuôi từ 6 – 10 tháng là xuất bán, đến nay, nhiều lồng cá ông Hòa đã phải nuôi 16 tháng. Để duy trì đàn cá, ông dùng cách cắt giảm khẩu phần ăn của cá còn 60 – 70% so với trước đây.
Ông Hòa cho biết: Gia đình tôi có 20 lồng. Thời điểm này những năm trước thương lái đến thu mua 5 – 7 ngày là hết cá. Thế nhưng năm nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, họ đến bắt được 2 ngày là dừng không mua nữa. Hiện gia đình tôi còn hơn 60 tấn cá các loại, trong đó nhiều lồng đã quá kỳ xuất bán (6 tháng) nhưng không có người mua. Trong khi đó, mỗi ngày tôi vẫn phải chi hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Người nuôi như chúng tôi đang phải chịu cảnh “một cổ ba tròng” khi cá quá tuổi nhưng không xuất bán được, vẫn phải nuôi cầm cự, tốn chi phí cám, vốn ứ đọng, lại không thể vào lứa mới.
Theo tính toán của ông Hòa, để nuôi được 1 kg cá diêu hồng chi phí hết 34.000 đồng; do sức tiêu thụ chậm, cá không xuất bán được, chi phí cho 1 kg cá đã lên tới 45.000 đồng trong khi giá bán hiện tại được 36.000 đồng/kg. Ông Hòa đang phải bù lỗ trung bình 9.000 đồng/kg cá.
Ông Lê Huy Hòa, xã Hồng An (Hưng Hà) đang phải bù lỗ trung bình 9.000 đồng/kg cá.
Một khó khăn nữa mà các hộ nuôi cá lồng gặp phải là lứa cá thương phẩm không xuất bán được thì không có lồng trống để vào lứa cá tiếp theo cho năm sau. Nếu duy trì nuôi lứa cá này, chi phí sẽ lớn hơn chi phí vào đàn cá mới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không ưa chuộng cá quá to vì thế sẽ làm cho sức tiêu thụ chậm hơn.
Đầu tư bài bản khi xây dựng chuỗi khép kín từ con giống, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ, mô hình chế biến cá rô đồng của anh Nguyễn Văn Hình, xã Duyên Hải (Hưng Hà) cũng đang gặp khó khăn khi sản lượng tiêu thụ giảm từ 70 – 80% so với trước khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Anh Hình chia sẻ: Hiện tại tôi đứng ra thu mua cá cho hầu hết các hộ nuôi cá rô đồng trong tỉnh để chế biến, bán cho hệ thống quán canh cá. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cửa hàng, quán ăn đóng cửa nhiều, sức tiêu thụ giảm rõ rệt, chủ yếu bán lẻ cho các hộ gia đình.
Nhờ đầu tư hệ thống kho lạnh trữ đông công suất 20 tấn cá thành phẩm, tương đương khoảng 60 tấn cá tươi nên anh Hình hiện vẫn có thể thu mua, chế biến cá cấp đông; giải quyết đầu ra, quay vòng vốn cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm thì anh Hình cũng không đủ sức cầm cự.
6 tháng đầu năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 72.700 tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng cá ước đạt 19.400 tấn. Trước tình trạng chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra khó tiêu thụ, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản mong muốn nhà nước có cơ chế hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là ưu đãi về vốn, lãi suất vay, gỡ khó trong tiêu thụ sản phẩm để người dân tiếp tục sản xuất.
Ngân Huyền
Nguồn: Báo Thái Bình