Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang bước vào vụ thu hoạch trà lúa hè thu. Khác với tâm lý khấp khởi của nông dân trong những vụ mùa trước khi sắp được gặt hái thành quả suốt mấy tháng ròng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thay vào đó là nỗi lo nặng trĩu khi mà giá cả các loại vật tư nông nghiệp không ngừng gia tăng.
Phần đông nông dân trồng lúa làm ăn theo hình thức “ăn trước, trả sau”. Nghĩa là, đầu vụ những hộ canh tác lúa sẽ tìm đến các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp để “nhờ” họ đầu tư phân, thuốc, lúa giống… Và các khoản chi phí đầu vào này sẽ được thanh toán vào cuối vụ. Và tất nhiên, khi “đầu tư” các chủ cửa hàng cũng đã “kê” giá các mặt hàng này để thu lợi. Dù biết vậy, nhưng nông dân vẫn coi đó như một khoản tiền lãi mình phải “đóng” để có nguồn đầu tư lâu dài. Thế nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất lúa không ngừng tăng, vô hình trung đã đẩy nông dân vào thế khổ càng thêm khổ.
Nông dân huyện Hồng Dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc lúa. Ảnh: C.L
Anh Huỳnh Công Trứ (huyện Phước Long) than thở: “Hôm qua ra cửa hàng mua mấy chai thuốc với bao phân về bón cho ruộng lúa, nghe chủ cửa hàng báo giá mà giật mình, phân lên mấy chục ngàn đồng một bao (tùy loại). Với giá phân, thuốc như vậy có khi bỏ ruộng còn khỏe hơn, chứ làm ròng rã mấy tháng trời, bán lúa xong còn lỗ mấy triệu đồng/ha”. Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng vọt từ 60 – 80% và dự báo tiếp tục tăng trong tháng 8. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng giá rõ ràng là một thách thức lớn đối với nông dân. “Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cần xem xét, có chính sách bình ổn giá phân, thuốc để nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất, chứ để giá cả tăng như hiện nay thì nông dân rất khổ”, ông Trương Thanh Thương (huyện Vĩnh Lợi) bày tỏ. Theo các thương lái thu mua lúa, giá lúa trên thị trường hiện nay không đồng nhất và không ổn định, chỗ tăng, chỗ giảm. Hiện lúa tươi IR50404 có giá 4.600 – 5.000 đồng/kg; OM9582 giá 5.000 – 5.100 đồng/kg; Nàng hoa 9 tăng 100 đồng, lên 6.000 – 6.100 đồng/kg…
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Trần Thanh Nam cho biết: “Hiện vấn đề lưu thông vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) được tháo gỡ nhưng giá phân bón tăng rất cao, có loại tăng 83% so với thời điểm tháng 1/2021. Phân bón sản xuất trong nước mà tăng quá cao như vậy thì nông dân làm sao chịu nổi”. Phải chăng bắt đầu vào vụ mùa sản xuất, giãn cách xã hội, giao thông trắc trở thì tất cả cùng tăng giá? Giờ là lúc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải cùng nhau suy nghĩ vì lợi ích của bà con nông dân”, ông Nam đề nghị.
Chí Linh
Nguồn: Báo Bạc Liêu