Giải bài toán nhân lực ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản đang ngày càng được chú trọng và phát triển, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực này vì thế cũng ngày một tăng. Tuy nhiên, trong thị trường nhân lực thủy sản lại đang diễn ra nghịch lý, thiếu cứ thiếu mà thừa vẫn cứ thừa.

Truy tìm nhân lực giỏi

Tại TP Hồ Chí Minh, những vị trí có mức lương từ 4.000 USD/tháng trở lên hầu như đều nằm trong tầm ngắm của các công ty “săn đầu người”. Các công ty này có danh sách, mức lương, năng lực của các nhân viên, quản lý, thậm chí lai lịch các giám đốc làm ăn hiệu quả, để sẵn sàng “bán thông tin” cho các công ty tuyển dụng, đồng thời đôi khi họ trực tiếp chèo kéo các nhân lực chất lượng cao từ công ty này sang công ty khác để hưởng môi giới.

Lãnh đạo một công ty sản xuất giống và thức ăn tôm liên doanh cho biết: “Mức lương của tôi trước đây là 250 triệu đồng/tháng. Nhưng nhiều công ty sẵn sàng trả cho tôi mức lương trên 300 triệu đồng/tháng, thông qua các công ty “săn đầu người”, họ liên tục tiếp xúc với tôi, chèo kéo tôi. Biết vậy, công ty của tôi đã tăng lương cho tôi lên mức 280 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí sinh hoạt”. Có thể nói, trong các liên doanh ngành thủy sản, các vị trí quản lý, nhất là lĩnh vực maketting, giám đốc kỹ thuật… đều cần đến nhân sự là trí thức Việt Nam và mức lương của họ tương đương, thậm chí cao hơn người nước ngoài cùng vị trí.

Ngược lại, những vị giám đốc, giám đốc điều hành giỏi có thể thay đổi lịch sử của một công ty từ thua lỗ đến thành công. Một giám đốc điều hành người Đài Loan trong lĩnh vực thức ăn tôm cho biết: “Công ty của chúng tôi nhiều lần thay đổi chủ, song họ đều tin dùng tôi và các cộng sự vì chúng tôi đã 15 năm làm việc tại Việt Nam, rất am hiểu việc nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam”.  Vị giám đốc này đã đưa cả vợ con sang sống lâu dài ngay tại công ty tại ĐBSCL. Không chỉ được giữ chân bằng lương, họ còn được mua cổ phần để gắn bó với công ty.

Một chuyên gia sản xuất thức ăn Nhật Bản cho biết: “Khi chúng tôi mở công ty tại Việt Nam chúng tôi mới biết vai trò các đại lý quan trọng thế nào. Nhiều sản phẩm từ nhà máy không đi đến trực tiếp với nông dân mà phải qua các đại lý, khiến giá thành cao hơn. Nhưng nếu đại lý từ chối không nhận bán hàng thì các nhà máy gặp nhiều khó khăn”.

Nói đi cũng phải nói lại, để trở thành một đại lý thành công cũng không đơn giản. Một đại lý thức ăn tôm ở huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre có doanh số khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm: “Tôi phải bỏ công việc đang làm ở nhà nước, để đi ra ngoài làm đại lý. Tôi phải trực tiếp nuôi tôm, làm mô hình mẫu, người nông dân họ thấy tôi nuôi thành  công, họ hỏi thức ăn gì, khi đó tôi mới bán được thức ăn cho nhà máy. Những việc như thế, thử hỏi nhà máy có làm được không?”. Cuối cùng, đại lý lại trở thành những chuyên gia nuôi trồng thủy sản, chính họ xây dựng nhiều mô hình mẫu, triển khai các công nghệ mới chứ không phải là nhà máy!

Nhân lực kỹ thuật cao đang khan hiếm – Ảnh: PTC

 

Kế hoạch giữ chân

Có mặt tại trại giống tôm nổi tiếng Dương Hùng ở ĐBSCL, chúng tôi thấy một trại giống tôm trong nước nhưng có thể nuôi tôm như những doanh nghiệp lớn của nước ngoài và liên doanh. Quy mô, sản lượng tôm giống rất lớn. Ông Dương Hùng, lãnh đạo ở đây tiết lộ: “Chúng tôi nuôi tôm giống thành công là nhờ lực lượng kỹ sư kỹ thuật viên lành nghề, có năng lực, sống chết với nghề”.

Các kỹ sư và kỹ thuật viên công ty này ăn ở với trại tôm, nội bất xuất ngoại bất nhập, quanh năm theo dõi tôm bố mẹ sinh sản. Ông Dương Hùng tiết lộ thêm: “Chúng tôi quản lý và sử dụng kỹ sư ngành thủy sản không theo lương cơ bản mà theo hiệu quả kinh doanh. Một kỹ sư kinh doanh tốt, lương hàng năm có thể lên tới nhiều trăm triệu đồng. Chúng tôi cũng sẵn sàng mời họ tham gia như những cổ đông, cùng góp vốn, góp công sức phát triển công ty”.

Một chủ trại tôm tại Bến Tre thì cho biết: “Đa số chủ trại tôm chúng tôi không được học hành nhiều, không giỏi về kỹ thuật. Chúng tôi muốn nuôi tôm phải dựa vào lực lượng kỹ sư, kỹ thuật viên của các công ty giống thức ăn và kỹ sư của chúng tôi”. Chủ trại tôm này nói: “Các kỹ sư và kỹ thuật viên ngành tôm mà giỏi, thành công thì rất được săn đón. Bản thân chúng tôi, dù nuôi tôm theo mùa vụ nên có nhiều tháng không nuôi thả tôm, nhưng chúng tôi vẫn trả lương cho nhân viên chúng tôi, dù khi đó họ về quê. Đó là cách để chúng tôi giữ chân lực lượng nhân công chất lượng cao phục vụ cho sản xuất mùa sau”.

 

Khắc phục tình trạng khan hiếm

Một kỹ thuật viên của C.P. Việt Nam tại Đồng Nai tâm sự: “Lương kỹ sư thủy sản trong các doanh nghiệp, nhất là liên doanh hiện nay đủ sống. Mức lương bình quân đều trên 10 triệu mỗi tháng. Nói vậy, nhưng công việc không hề dễ dàng. Chúng tôi phải lăn lộn trên vuông tôm, hướng dẫn kỹ thuật cho các trại tôm, vì đa số nhân lực của trại tôm không được đào tạo. Nông dân nuôi tôm thành công thì công ty mới tiêu thụ được thức ăn tôm. Do vậy, chúng tôi cũng chịu trách nhiệm và vất vả không kém gì nhân viên của chính các trại tôm và các đại lý! Cũng may là các trại tôm cũng quý và thương chúng tôi như con cái trong nhà”.

Hiện nay, cả nước có 9 triệu người làm việc trong ngành thủy sản với 5 triệu người lao động, hoạt động kinh tế trên biển và ven biển và 4 triệu người lao động ở thị trường thủy sản nước ngọt. Khoảng 350 trường đại học, cao đẳng, dạy nghề thủy sản mỗi năm cung cấp 7.000 kỹ sư và kỹ thuật viên nuôi trồng chế biến khai thác thủy sản trong cả nước. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành chế biến thủy sản có đến khoảng 80% số lao động không được đào tạo, mà chỉ học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày.  

Khắc phục tình trạng khan hiếm nhân lực, nhất là nhân lực cao cấp trong ngành thủy sản như các vị trí quản lý, kinh doanh, nghiên cứu, kỹ thuật… chắc chắn cần tăng cường đạo tạo và liên kết với các nước phát triển để đạo tạo chuyên ngành thủy sản. Chính những kỹ sư và kỹ thuật viên có tâm, có tầm sẽ góp phần giúp doanh nghiệp và các trại tôm, cá đạt tỷ lệ nuôi trồng thành công nhiều hơn.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới; mặt khác, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. Do đó, cần phải nhận thức rõ sức ảnh hưởng và tác động của việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. 

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!