Giải đáp thắc mắc người nuôi tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Trong Chuyên mục Tư vấn kỹ thuật kỳ này, Kỹ sư Trương Thị Lệ Thủy – Trung tâm Thủy sản Long An sẽ giải đáp thắc mắc xoay quanh vấn đề nuôi tôm thẻ chân trắng của một số hộ dân trên địa bàn tỉnh Long An.

Ông Dương Ngọc Hùng, tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước hỏi: Tôm thẻ 1 tháng tuổi đang phát triển bình thường, nhưng nước trong ao thường thay đổi màu, từ màu xanh lục chuyển sang vàng lục. Tôi đã sử dụng BZT kết hợp rải Zeolite mà màu nước vẫn chưa đạt. Độ pH, độ kiềm vẫn ổn định và mực nước ao mương 1,5-1,6m, cù lao 0,7-0,8m. Vậy trường hợp này xử lý ra sao?.

Trả lời: Theo miêu tả của ông, các yếu tố chất lượng nước như pH, độ kiềm, độ sâu… trong ao nhà đều đảm bảo và tôm vẫn khỏe thì chúng tôi nghĩ màu nước như vậy không ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Tảo đang có xu hướng phát triển dày do hàm lượng chất hữu cơ trong ao nhiều. Trong điều kiện của ao nhà, ông nên tiếp tục giữ ổn định các yếu tố môi trường, hạn chế sự phát triển của tảo quá mức dẫn đến tảo suy tàn và ảnh hưởng sức khỏe tôm. Khi thấy tảo phát triển dày đặc thì dùng các sản phẩm có gốc Iod để cắt tảo, sau đó bón Yucca và Zeolite vào ao để bảo vệ sức khỏe đàn tôm.

 

 

Kiểm tra môi trường trước khi thả tôm giống là cần thiết    Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Ông Trần Văn Việt, ấp Đông Nhất, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước hỏi: Tại sao khi cho tôm ăn thức ăn của các công ty từ giai đoạn đầu đến 1 tháng thì không bị tiêu chảy, còn qua 1 tháng trở về sau thì bị tiêu chảy mặc dù vẫn trộn men vào thức ăn?

Trả lời: Theo như mô tả thì đây là bệnh đường ruột. Bệnh này thường gặp ở mọi giai đoạn. Khi tôm bệnh sẽ thấy triệu chứng tôm ít ăn, chậm lớn. Đường ruột tôm bị đứt đoạn hoặc không có thức ăn trong đường ruột. Thức ăn trong đường ruột chuyển động khi lắc nhẹ thân tôm. Khi kiểm tra vó, phân tôm không suông dễ rã, ngắn, màu sắt nhợt nhạt so với màu phân bình thường (thường kiểm tra sau bỏ vó 15-20 phút). Nguyên nhân là do ao nuôi có nhiều chất hữu cơ. Đường ruột tôm bị vi khuẩn xâm nhập, bám vào các nhung mao của đường ruột, tại các điểm này không thể hấp thụ chất dinh dưỡng, do đó xuất hiện những khoảng trống trên đường ruột tôm khi quan sát tôm dưới ánh sáng mặt trời. Độc tố nấm mốc cũng gây ra những dấu hiệu tương tự. Để phòng bệnh, ông nên theo dõi chặt chẽ lượng thức ăn trên vó, kết hợp quan sát đường ruột tôm, cần theo dõi tôm trong nhá và kết hợp chài tôm trước khi cho ăn 30 phút để quan sát lượng thức ăn trong ruột tôm. Sử dụng các loại thức ăn có chất lượng tốt, có chế độ bảo quản thức ăn. Để trị bệnh, trước tiên phải tiến hành diệt khuẩn nước ao nuôi bằng hóa chất, sau đó cấy men vi sinh, trộn kháng sinh và men tiêu hóa vào thức ăn trong thời gian 5-7 ngày.

 

 

Ông Phạm Văn Long, ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước hỏi: Mỗi lần thu hoạch, tôi đều khan khô rải vôi, rồi diệt khuẩn. Năm nay không dám gây tảo phát triển nhưng tảo lại dày vượt mức. Hỏi nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

Trả lời: Cách cải tạo ao của ông như vậy là đúng phương pháp. Với phương pháp cải tạo này thì ông đã loại bỏ phần dinh dưỡng sau mỗi vụ nuôi, theo lý thuyết thì không thể làm tảo phát triển dày được. Do vậy, nguyên nhân có thể do thức ăn dư thừa hoặc thức ăn có độ đạm quá cao làm dư nguồn đạm trong ao nên tảo phát triển. Độ đạm thích hợp cho nuôi tôm thẻ là 30-35%. Vì vậy, ông nên xem lại lượng thức ăn. Tôm càng lớn thì nhu cầu đạm trong thức ăn càng giảm nên ông phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Trong trường hợp tảo dày, khi tôm còn nhỏ thì không nên sử dụng thuốc, hóa chất để cắt tảo, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ sống của tôm. Có thể sử dụng vôi để xử lý vào ban đêm, cách này thì hiệu quả cũng tương đối nhưng thời gian cắt tảo kéo dài, từ 5-7 ngày. Hoặc sử dụng các sản phẩm có chứa gốc Iod cắt tảo. Sau 2 ngày, bón Zeolite và cấy men vi sinh vào ao.

 

 

Ông Trần Văn Việt, ấp Đông Nhất, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước hỏi: Tôm ở giai đoạn nào thì hết bị mầm bệnh từ bố mẹ?

Trả lời: Cũng giống như tôm sú, tôm thẻ mắc rất nhiều loại bệnh, trong đó 6 bệnh nguy hiểm là đốm trắng, còi, đầu vàng, hoại tử cơ, hoại tử cơ quan tạo máu và bệnh Taura. Đây là những loại bệnh do virus nên có khả năng lây truyền từ bố mẹ. Mỗi loại bệnh có những nguyên nhân, triệu chứng khác nhau và thời điểm thường xảy cũng khác nhau. Ví dụ bệnh đốm trắng xảy ra trong giai đoạn tôm thương phẩm sau 2 tháng trở lên. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện sớm hơn từ vài 3 tuần đến 1 tháng. Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu thường xảy ra trong giai đoạn tôm sau 30 ngày tuổi. Hay bệnh còi chủ yếu xảy ra ở giai đoạn tôm giống. Qua những thông tin trên, ông có thể hình dung rằng ở bất kỳ giai đoạn nào thì vẫn có thể xảy ra bệnh trên tôm. Nếu tôm bố mẹ không sạch bệnh, tham gia sinh sản sẽ tạo ra đàn giống nhiễm bệnh và biểu hiện bệnh ở những khoảng thời gian khác nhau khi yếu tố gây bệnh đủ sức để cấu thành bệnh. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho đàn tôm khi mua giống phải qua kiểm dịch và lựa chọn cơ sở uy tín.

 Nguyễn Văn Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!