T5, 30/07/2020 04:11

Giải pháp bảo vệ tàu thuyền mùa mưa bão

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mùa mưa bão sắp đến, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong thời gian hoạt động đang là vấn đề được các ngành chức năng và ngư dân quan tâm hàng đầu.

Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị

Trước mỗi lần rời bến, ngư dần cần kiểm tra, rà soát lại tàu, thuyền cũng như trang thiết bị trên tàu. Đối với thủy thủ boong, khi chuẩn bị rời cảng cần chú ý việc chằng buộc tàu; Đóng kín hầm hàng, chằng buộc cẩn thận các dây cáp, cầu thang, các vật dễ di động trên boong và dưới máy tàu; Kiểm tra neo, các ống thông hơi hầm hàng, dây an toàn đi lại trên boong…

Ảnh minh họa

Kiểm tra lại toàn bộ máy móc, thiết bị an toàn, cứu nạn, phao cứu sinh… Đặc biệt chú trọng các thiết bị thông tin cần thiết phải có trên tàu để giải quyết sự cố mỗi khi phương tiện gặp khó khăn.

Xử lý tình huống

Trong quá trình hoạt động trên biển cần thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, chủ động liên hệ thông báo về vị trí tàu, thuyền. Khi tàu đang trên biển mà gặp trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới xa, các chủ tàu, thuyền trưởng thường xuyên theo dõi vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Cùng đó, cần thực hiện một số biện pháp sau:

– Hạ thấp trọng tâm tàu bằng cách đưa các vật nặng, cồng kềnh xuống dưới hầm tàu; kiểm tra tình trạng hoạt động của máy chính, máy phụ, hệ thống lái, neo…

– Chủ tàu, thuyền trưởng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chống thủng, chống chìm, cứu sinh; chằng buộc dây neo theo chiều dọc của tàu để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện sóng gió.

– Người điều khiển tàu thuyền cần thông báo cho tất cả các thuyền viên trên tàu tăng cường chằng buộc các trang thiết bị, hàng hóa (nhất là các vật dễ di dộng trên boong và dưới máy tàu).

– Các thuyền viên phải mặc áo phao cứu sinh; chủ động đưa tàu, thuyền về nơi tránh, trú bão an toàn.

– Chú ý cảnh giới, bảo đảm an toàn hoạt động của tàu, trong đó có việc duy trì máy chính an toàn; Giảm máy và đề phòng máy bị quá tải, vượt tốc. Đồng thời, cần tránh trường hợp chân vịt bị quay trên không.

 – Nếu gặp thời tiết quá xấu, cần thay đổi hướng hành trình thích hợp để giảm bớt sự va đập giữa tàu với sóng; Ngừng bảo dưỡng bên ngoài mặt boong nếu không cần thiết.

Bên cạnh đó, các tàu, thuyền thường xuyên theo dõi hướng, tốc độ di chuyển để quyết định hướng tàu sẽ chạy thoát ra khỏi vùng nguy hiểm về nơi neo đậu an toàn; giữ liên lạc thường xuyên với các đài trực canh ven bờ, cơ quan phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn…

Trường hợp gặp bão, nên đổi hướng để tránh bão, có thể thả trôi hay dừng máy, hoặc nếu được thì quay trở lại để tránh xa tâm bão. Khi gặp gió mùa mạnh nên giảm máy, chọn hướng đi thích hợp để giảm lắc cho tàu, chờ cơn gió mùa mạnh tràn qua sau đó mới tăng dần tốc độ.

Neo đậu đúng cách

Đối với tàu, thuyền lớn, phải bổ sung 2 dây chằng buộc lái, 2 dây chằng buộc mũi và neo đậu theo hướng thẳng góc với bờ, khoảng cách từ các tàu phải đủ rộng để tránh va đập nhau. Trước khi neo đậu, cần kiểm tra và chằng buộc chắc chắn các cửa, nắp hầm hàng. Kiểm tra lại hệ thống dây neo, đảm bảo dây neo đúng kích cỡ và chiều dài theo quy định (dây neo cần có đường kính thước tối thiểu >18 mm và chiều dài không dưới 2 lần chiều dài thân tàu);

Tốt nhất neo đậu tàu một mình riêng biệt, sao cho khi neo đã bám đáy, tàu có thể quay trở lại các hướng mà không bị va đập với bất cứ vật gì và không bị mắc cạn. Thả 1 – 2 neo trước mũi tàu, chiều dài dây neo bằng 5 – 7 lần độ sâu nơi thả neo;

Nếu trong khu neo đậu có các phao bù, hoặc cọc neo buộc tàu thì tàu cần buộc chặt dây neo mũi vào phao bù hoặc cọc neo và xông dây neo ra một khoảng độ dài 5 – 7 m, sau đó thả thêm neo đằng lái;

Nếu trong khu neo đậu không có phao bù hoặc cọc neo và có nhiều tàu neo đậu, thì cần neo tàu theo hướng lái vào bờ, chằng buộc vào các vật sẵn có trên bờ và thả thêm 2 neo phía mũi tàu. Tối đa chỉ được neo 3 tàu liền nhau và giữa các tàu phải có đệm chống va và dây liên kết.

>> Ðể giảm thiểu tai nạn trên biển trong mùa mưa bão, các tàu cá phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật theo đúng quy định hiện hành; Ngư dân cần phải kết nối hệ thống thông tin liên lạc với cơ quan chức năng, đồng thời cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó với thiên tai, mưa bão.

Kim Tiến 

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!