(TSVN) – Ngày 12/11/2020, tại TP Cần Thơ, Tổng cục Thủy sản và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp tổ chức Đối thoại bàn tròn ngành thủy sản với chủ đề “Chuyển đổi số để nâng cao quản lý và sản xuất nuôi thủy sản bền vững ở Việt Nam”.
Ngành thủy sản nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển, tuy nhiên, ngành hàng này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và hạn chế. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, để nâng cao giá trị cho các sản phẩm thủy sản, rất cần có sự đồng bộ cả về chính sách, thể chế và năng lực. Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, thách thức đặt ra đối với ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các thị trường khác, các rào cản kỹ thuật, yêu cầu chất lượng sản phẩm và yêu cầu truy xuất nguồn gốc…
Chính vì thế, việc người sản xuất, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu, các doanh nghiệp cung cấp đầu vào như giống, thức ăn và thuốc chủ động trong quá trình đổi mới sáng tạo luôn đóng vai trò quyết định trong chuỗi giá trị. Chuyển đổi số với ứng dụng thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin giúp hệ thống hóa số liệu vùng nuôi, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý môi trường và dịch bệnh, góp phần giảm tải công lao động, tăng độ chính xác trong quản lý và giám sát…
Tại diễn đàn lần này, các đại biểu tham dự cũng thống nhất rằng muốn phát huy lợi thế của ngành thủy sản, chúng ta cần minh bạch thông tin trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiện toàn chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp số là tất yếu và sẽ giúp thủy sản Việt Nam tăng tốc, khẳng định vị thế trên thị trường thế giới…