Giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang ngày càng trở nên bức xúc. Tuy nhiên, không thiếu thời điểm, việc quản lý chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa” chứ không giải quyết triệt để. Giải pháp nào khắc phục vấn nạn này?

chương trình có sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông quốc gia

Câu trả lời này có được tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức trong 2 ngày 4 và 5/7/2016. Mục đích tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nuôi, chủ trang trại, cơ sở sản xuất kinh doanh không sử dụng chất cấm, kháng sinh; chăn nuôi thủy sản an toàn. Giới thiệu một số mô hình nuôi kết hợp nhiều đối tượng tăng hiệu quả kinh tế và hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

 

Những điểm “nóng”

Theo số liệu thống kê, từ năm 2014 đến tháng 9/2015, có khoảng 32.000 tấn thủy sản của Việt Nam bị các thị trường nhập khẩu trả về do dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Riêng năm 2015, cả nước có 40 lô hàng bị phát hiện vi phạm tồn dư hóa chất, cao gấp 3 lần năm 2014. Quý I/2016, 10 hàng thủy sản xuất khẩu vi phạm quy định về hóa chất, kháng sinh bị đặt ở mức cảnh báo nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định do một số cơ sở sử dụng kháng sinh cấm trong quá trình nuôi, đồng thời không tuân thủ quy định về thời gian ngưng sử dụng trước khi thu hoạch.

Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi tôm hiện nay, đặc biệt là nuôi thâm canh đã phá vỡ cân bằng sinh thái và tác động xấu đến môi trường, kéo theo chất lượng sản phẩm kém. Mặt khác, việc hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng tồn dư trong sản phẩm đã và đang tạo thành “rào cản” trong việc đưa con tôm Việt Nam xuất ngoại.

Tình trạng sử dụng kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản ngày càng diễn biến phức tạp và rất khó kiểm soát. Theo những người trong cuộc, nguyên nhân do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, người dân buộc phải tăng lượng kháng sinh, thuốc thú y để giảm thiệt hại. Cùng đó, các chế tài trong kiểm tra, giám sát chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe nhằm hạn chế tái diễn vi phạm từ người nuôi, đại lý thu mua, cơ sở chế biến thức ăn…

giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Sử dụng kháng sinh là con dao 2 lưỡi trong nuôi trồng thủy sản – Ảnh: Trần Út

Chuyên gia bệnh thủy sản, TS Bùi Quang Tề cho rằng, nếu sử dụng liều lượng phù hợp, kháng sinh sẽ giúp động vật thủy sản kháng lại dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu nhiều hơn mức cần thiết sẽ dẫn đến hiện tượng tồn dư trong cơ thể vật  nuôi. Phần tồn đọng này sẽ làm xuất hiện vi khuẩn biến thể có khả năng chống lại các chất kháng sinh. Vì vậy trên thực tế, các ao hồ nuôi càng sử dụng nhiều thuốc kháng sinh thì dịch bệnh trong các vụ tiếp theo càng gia tăng, gây thiệt hại lâu dài.

 

Giải pháp

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, người nuôi cần sử dụng kháng sinh dựa trên 5 nguyên tắc. Đó là: Chỉ sử dụng thuốc trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT; Không dùng để phòng bệnh; Dùng đúng bệnh, đúng thuốc; Bảo quản đúng cách; Phải dùng bảo hộ khi tiếp xúc thuốc. Ngoài ra, cần theo chỉ dẫn 5 “cần”: Chỉ dùng thuốc kháng sinh trị bệnh do vi khuẩn, không dùng trị bệnh cho virus; Hạn chế dùng lặp lại thuốc kháng sinh để phòng vi khuẩn kháng bệnh; Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng, đúng theo chỉ dẫn của cán bộ thú y; Thực hiện việc giám sát sử dụng kháng sinh; Nắm vững nguyên tắc trong phòng trị bệnh.

Cũng theo ông Tiêu, để quản lý chặt chẽ hóa chất, kháng sinh, tránh lạm dụng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm, cần tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về lưu thông, phân phối, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thủy sản; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc thú y để tránh tồn dư hóa chất kháng sinh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phát triển nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao kết hợp với quản lý chặt các yếu tố trong quá trình nuôi, áp dụng mô hình nuôi tôm VietGAP. Cùng đó, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thông qua việc giám sát chặt chẽ hoạt động nuôi trồng tại cơ sở cung cấp nguyên liệu…

Ngoài ra, tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đề nghị Tổng cục Thủy sản ngoài việc tăng cường công tác quản lý thức ăn, chế phẩm sinh học thì việc cấp phép cho những sản phẩm lưu thông trên thị trường cũng cần được thực hiện chặt chẽ hơn. Cùng đó, ưu tiên hỗ trợ để xây dựng các mô hình an toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản…

>> Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm” là một trong 3 diễn đàn liên quan chủ đề an toàn thực phẩm trong chương trình kế hoạch thông tin tuyên truyền khuyến nông năm 2016 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ NN&PTNT phê duyệt.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!