Ngày 16/10/2013 tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II kết hợp với Công ty TNHH Uni-President Việt Nam tổ chức hội thảo “Ethoxyquin (EQ) – Giải pháp kỹ thuật và quản lý đảm bảo yêu cầu chất lượng tôm nguyên liệu phù hợp xuất khẩu”.
Sau gần 4 tháng (từ ngày 12/12/2012 đến 10/4/2013) phối hợp nghiên cứu về “Ảnh hưởng hàm lượng EQ trong thức ăn thủy sản tồn dư trong tôm thẻ chân trắng”, do hai đơn vị trên thực hiện tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu) và trại ương tôm của Công ty Thông Thuận, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), kết quả lấy mẫu phân tích cho thấy dư lượng rất thấp hoặc không có trong cơ thịt tôm. Đây là giải pháp kỹ thuật và quản lý khả quan khi sử dụng các loại thức ăn thủy sản có hàm lượng EQ thấp, thời gian nuôi cho ăn trong các giai đoạn khác nhau vẫn đảm bảo chất lượng tôm xuất khẩu và nuôi mau lớn.
Ông Bùi Đức Quý, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II và Công ty TNHH Uni-President Việt Nam trong nghiên cứu vấn đề quan trọng này, với đề tài mang tính khoa học và khả năng áp dụng trong thực tiễn cao. Đồng thời hy vọng, thành công này sẽ mở ra hướng mới trong nuôi tôm tại Việt Nam, tiến tới loại bỏ được EQ trong các sản phẩm tôm.
Được biết, EQ được sử dụng rộng rãi trong bảo quản bột cá – thành phần chính của thức ăn tôm, cá. Vừa qua, Nhật Bản – thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam áp dụng nghiêm ngặt chính sách kiểm tra dư lượng EQ. Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã có công văn (số 906/TCTS-NTTS) yêu cầu tăng cường kiểm tra EQ và đề nghị cam kết không đưa vào thức ăn chất EQ, trên các nhãn mác bao bì thức ăn cần ghi rõ “không chứa EQ”.