(TSVN) – Tại hội thảo chuyên đề vừa diễn ra tại Cà Mau, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng đề xuất các giải pháp trọng tâm để kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ và cua biển – một trong những thách thức lớn của ngành thủy sản ĐBSCL hiện nay.
Sáng ngày 10/6, Cục Thủy sản và Kiểm ngư phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo chuyên đề “Giải pháp phòng, trị bệnh trên tôm nước lợ và cua biển tại ĐBSCL”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại diện đến từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế như GIZ, cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống và hộ nuôi trong khu vực.
Ảnh minh họa
Tại hội thảo, các báo cáo cho thấy ngành tôm giống đang có những chuyển biến tích cực. Trong 5 tháng đầu năm 2025, cả nước đã nhập khẩu gần 71.000 con tôm bố mẹ, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, và sản xuất được 11.500 con tôm giống trong nước. Tổng sản lượng tôm giống đạt 90,77 tỷ con, trong đó có 28 tỷ con tôm sú và 62,77 tỷ con tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra, gần 47.000 mã sản phẩm thức ăn và chế phẩm xử lý môi trường nuôi trồng đã được tiếp nhận.
ĐBSCL tiếp tục giữ vai trò trung tâm sản xuất thủy sản lớn nhất cả nước, chiếm 70% diện tích nuôi trồng, 65% sản lượng và 65% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là bài toán khó, đặc biệt là trên cua biển. Tại Cà Mau, bệnh trên cua thường bùng phát vào mùa nắng nóng, gây thiệt hại từ 30 – 35%, chủ yếu do ký sinh trùng Fortonion và các biến động môi trường. Dù vậy, loại bệnh này hiện chưa được giám sát trong hệ thống quản lý dịch bệnh thủy sản quốc gia (VAHIS), khiến việc phòng chống còn gặp nhiều trở ngại.
Thực tế cho thấy, công tác phòng trị bệnh vẫn còn nhiều hạn chế do hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu cơ sở an toàn sinh học, hệ thống cảnh báo sớm còn yếu, nguồn lực nghiên cứu còn mỏng và thiếu đội ngũ chuyên môn sâu về bệnh học thủy sản.
Trước tình hình đó, các đại biểu tại hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực như kiện toàn hệ thống thú y thủy sản, nâng cao năng lực quản lý và nghiên cứu dịch tễ học, xây dựng quy trình an toàn sinh học theo vùng nuôi, tăng cường giám sát môi trường chủ động, đẩy mạnh truyền thông và đào tạo cộng đồng nuôi tôm, cua.
Định hướng trong thời gian tới, ngành cần chuyển từ thế bị động sang chủ động trong quản lý dịch bệnh, gắn chặt công tác phòng trị với chuỗi giá trị sản xuất và điều kiện vùng nuôi. Đồng thời, cần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác công tư và xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội thảo được xem là diễn đàn quan trọng giúp các bên liên quan đánh giá đúng thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và cùng đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.
Thiên Đức