Ảnh hưởng COVID-19 đã làm cho nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp “đổ bệnh”, doanh nghiệp thủy sản cũng không ngoại lệ. Giúp doanh nghiệp thủy sản hồi phục đang là mục tiêu quan trọng trong giai đoạn này, thế nhưng, cách nào khả dụng?
Phải khôi phục được thị trường
Dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex VN, có 2 kịch bản cho doanh nghiệp thủy sản. Một là, nếu COVID-19 được giải quyết cơ bản cuối quý II, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhanh. Điều đó có thể như cái lò xo ở một số ngành kinh tế, trong đó có xuất khẩu thủy sản. Kịch bản thứ hai, nếu COVID-19 ở các quốc gia kéo dài đến cuối năm, thì một số người dân, không nhỏ, kéo dài thời gian phải ở nhà, dẫn đến sức tiêu thụ càng giảm, kể cả thực phẩm thiết yếu. Vì hạn chế thu nhập, người dân phải tiết kiệm mọi chi tiêu.
Kho lạnh của Công ty CP MeKong Logistics (Hậu Giang) thông báo ngưng nhận đơn hàng mới
Tuy nhiên, theo ông Lực nếu tình huống COVID-19 kéo dài, người nuôi tôm sẽ giảm việc thả giống nuôi. Mức cung trong nước sẽ giảm, thế nên giá cả nếu có giảm cũng chỉ giảm nhẹ.
Đối với ngành hàng cá tra xuất khẩu, nếu COVID-19 kéo dài hơn ngành này sẽ hết sức khó khăn. Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Cafatex: Trong những tháng đầu năm nay, sản phẩm cá tra chế biến bị “dội chợ” nên các doanh nghiệp phải trữ đông chờ tiêu thụ nhưng năng lực kho lạnh không đủ đáp ứng cho dự trữ.
Theo ông Kịch nguyên nhân dẫn đến việc thiếu trầm trọng kho lạnh là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt trong nước thiếu hụt, các doanh nghiệp nhập khẩu thịt nhiều hơn vì vậy các kho lạnh phục vụ thương mại khu vực Long An, TP Hồ Chí Minh gần như đã kín hàng nên không thể nhận thêm hàng nữa trong khi đó năng lực kho lạnh của khu vực ĐBSCL rất thiếu không thể đáp ứng. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu hiện nay theo ông Kịch là phải đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa vì tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới chưa biết khi nào kết thúc.
Cần thêm nhiều giải pháp
Nói về ngành hàng cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: Nhằm góp phần cùng người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19, các hiệp hội, ngành hàng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xchỉ đạo các bộ, ngành hữu quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: giảm, giãn, miễn nộp thuế, tiền thuê đất, phí, lãi suất, tái cơ cấu nợ vay, tăng hạn mức cho vay, ban hành chính sách xúc tiến thương mại, khuyến khích xuất khẩu, giảm thiểu các thủ tục hành chính…
Bên cạnh hỗ trợ cùng với doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến nối lại thị trường xuất khẩu thì Hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, lý do mà thời gian qua các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chưa “mặn mà” với thị trường trong nước là vì thiếu chính sách khuyến khích. Xuất khẩu thì thuế suất 0% nhưng bán trong nước thì phải chịu 5% thuế VAT cho sản phẩm qua chế biến. Bất hợp lý này đã được doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi nhiều năm nhưng vẫn chưa được chấp thuận.