Sáng nay, Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở NN&PTNT Phú Yên tổ chức Hội nghị “Hiện trạng và giải pháp phát triển giống thủy sản phục vụ nuôi biển bền vững” tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000 ha, trong đó diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha và nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha. Một số đối tượng chính được đưa vào phát triển như: Nhuyễn thể (ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương…); Cá biển (song, giò, hồng, vược, tráp, chim vây vàng, ngừ, măng biển…); Giáp xác (tôm hùm; cua, ghẹ…); Rong biển (rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho…).
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018 diện tích nuôi biển nước ta đạt 53.216 ha (trong đó chưa tính 202.000 ha nuôi cua xen ghép), sản lượng 431.600 tấn. Năm 2019, diện tích nuôi biển ước đạt 57.000 ha và 4,5 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng gần 470.000 tấn.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đều cho rằng, nghề nuôi biển của nước ta vẫn đang đối diện với nhiều hạn chế như tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè chưa thích ứng với điều kiện thời tiết. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường. Dịch bệnh trong nuôi nhuyễn thể, tôm hùm chưa được kiểm soát. Môi trường vùng ven biển ngày càng bị ô nhiễm. Vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp có khả năng đầu tư bài bản còn ít. Đặc biệt, khoa học công nghệ trong sản xuất giống yếu. Mặc dù đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống của nhiều loài nuôi biển nhưng chưa được chuyển giao rộng rãi cho các cơ sở sản xuất giống nên hiệu quả sản xuất giống không cao. Sản xuất giống nuôi biển chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp…
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển, song để nó thực sự chiếm thế “thượng phong”, con giống cần được quan tâm đầu tiên. Bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.