Giám sát vệ sinh, ATTP trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc giám sát này sẽ được thực hiện từ ngày 10/12/2015 theo Thông tư số 33/2015/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Theo đó, chương trình giám sát được triển khai ở các vùng thu hoạch đáp ứng các điều kiện: Vùng thu hoạch có các tổ chức (tổ, đội, hợp tác xã) hoặc cá nhân bảo đảm hoạt động thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ (NT2MV); Vùng thu hoạch nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng hoặc khai thác nguồn lợi thủy sản của Bộ NN&PTNT và địa phương;

Cùng đó, tổ chức chương trình giám sát gồm: lấy mẫu và kiểm nghiệm mẫu, thông báo chế độ thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, kiểm soát thu hoạch, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hoặc phiếu kiểm soát thu hoạch, xử lý các trường hợp cảnh báo, phân loại vùng thu hoạch, kiểm soát NT2MV ngoài vùng được phân loại.

Đối tượng lấy mẫu bao gồm: Mẫu nước để kiểm nghiệm tảo độc (định tính và định lượng); mẫu NT2MV để kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật, độc tố sinh học, các chất ô nhiễm (nếu có); Trường hợp vùng thu hoạch có nhiều loài NT2MV: Lấy mẫu tất cả các loài NT2MV trong chương trình giám sát tại vùng thu hoạch. Trường hợp có đầy đủ cơ sở khoa học về mức độ cảm nhiễm của các loài NT2MV trong vùng thu hoạch đối với một hoặc một số chỉ tiêu kiểm nghiệm nhất định, cơ quan kiểm tra có thể chỉ định lấy mẫu loài NT2MV có mức độ cảm nhiễm cao nhất đại diện cho các loài NT2MV khác trong vùng thu hoạch để đánh giá, giám sát về chỉ tiêu đó.

giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ

Thu hoạch ngao tại Thái Bình – Ảnh: Quang Quyết

Trong trường hợp mật độ tảo độc trong nước biển vượt quá giới hạn cảnh báo nhưng hàm lượng độc tố sinh học trong NT2MV chưa vượt quá mức giới hạn cho phép, cơ quan kiểm tra thực hiện: lấy mẫu giám sát tăng cường tảo độc và độc tố sinh học với tần suất 2 – 3 ngày/lần; Cơ sở sơ chế, chế biến NT2MV chỉ được phép đưa ra tiêu thụ hoặc xuất khẩu các lô hàng NT2MV được sản xuất từ nguyên liệu NT2MV thu hoạch từ đợt lấy mẫu kế trước nếu kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học đạt yêu cầu; Chế độ cảnh báo được bãi bỏ khi kết quả kiểm nghiệm tảo độc, độc tố sinh của hai đợt lấy mẫu giám sát tăng cường liên tiếp nằm trong giới hạn cho phép.

Trong trường hợp kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học trong NT2MV vượt quá mức giới hạn cho phép, cơ quan kiểm tra: Không cho phép thu hoạch (không cấp giấy chứng nhận xuất xứ) NT2MV để chế biến xuất khẩu vào EU; Cơ quan kiểm soát lấy mẫu giám sát tăng cường tảo độc và độc tố sinh học với tần suất 2 – 3 ngày/lần tại các điểm lấy mẫu của loài NT2MV có mẫu phát hiện độc tố sinh học; Cơ sở sơ chế, chế biến chỉ được phép đưa ra tiêu thụ hoặc xuất khẩu các lô hàng NT2MV được sản xuất từ nguyên liệu từ đợt thu hoạch kế trước nếu kết quả kiểm nghiệm độc tố sinh học đạt yêu cầu; Cập nhật tình trạng vùng thu hoạch trên website; Vùng thu hoạch được thu hoạch trở lại khi kết quả kiểm nghiệm nằm trong giới hạn cho phép sau hai lần giám sát tăng cường liên tiếp.

Trường hợp các chất ô nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, PCBs, dioxins, PAH trong NT2MV vượt quá mức giới hạn cho phép thì không cho phép thu hoạch (không cấp giấy chứng nhận xuất xứ) NT2MV để chế biến xuất khẩu vào EU; cơ quan kiểm soát lấy mẫu giám sát tăng cường chỉ tiêu vượt quá mức giới hạn cho phép với tần suất 4 tháng/lần; Cơ sở sơ chế, chế biến chỉ được phép đưa ra tiêu thụ hoặc xuất khẩu lô hàng được sản xuất từ nguyên liệu thu hoạch đợt kế trước nếu kết quả kiểm nghiệm chất ô nhiễm đạt yêu cầu. Đồng thời, chỉ được phép thu hoạch trở lại khi kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu cảnh báo nằm trong giới hạn cho phép sau một lần lấy mẫu giám sát tăng cường.

Trường hợp mẫu NT2MV giám sát định kỳ có kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu E.coli > 46.000 MPN trong 100 g thịt NT2MV và dịch nội bào, cơ quan kiểm tra thông báo đình chỉ thu hoạch, đồng thời điều tra nguyên nhân; trường hợp chỉ tiêu = 46.000 MPN/100 g thịt NT2MV và dịch nội bào, đồng thời kết quả điều tra, khảo sát cho thấy không có sự gia tăng về nguồn ô nhiễm và mức độ ô nhiễm thì cho phép thu hoạch trở lại. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu E.coli cao bất thường (>230 MPN/100 g thịt NT2MV và dịch nội bào đối với vùng loại A và > 4.600 MPN/100 g thịt NT2MV đối với vùng loại B) thì phải tổ chức điều tra nguyên nhân và lấy mẫu thẩm tra.

Đối với điệp, chân bụng biển thu hoạch từ ngoài vùng được phân loại. Điệp và chân bụng biển chỉ được đưa ra thị trường tiêu thụ sau khi được đưa vào xử lý tại cơ sở chế biến, đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/12/2015.

TSVN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!