Hội nghị Phát triển cá nước lạnh cuối tháng 7 vừa qua tại Lâm Đồng đã đưa vị trí của cá nước lạnh lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, để cá nước lạnh đứng vững được trên tầm cao ấy không phải là chuyện một sớm một chiều.
Thành công nhiều, khó khăn không ít
Cá nước lạnh (cá hồi và cá tầm), được nuôi thử nghiệm tại nước ta từ năm 2005. Sau 7 năm, cá hồi và cá tầm – những “vị khách” đến từ vùng Đông Bắc Âu lạnh giá đã chiếm được thiện cảm của nhiều doanh nghiệp, người nuôi cá Việt Nam bởi giá trị kinh tế, tính thích nghi cao, đặc biệt là đã đánh thức được tiềm năng về nguồn nước lạnh ở những vùng cao, nơi vẫn được coi là yếu thế về phát triển thủy sản. Phát huy lợi thế tự nhiên, nhiều địa phương đã đầu tư nuôi cá nước lạnh, mỗi năm cung cấp ra thị trường vài trăm tấn cá thương phẩm, hàng trăm ngàn con cá giống. Các địa phương đi đầu là Lai Châu, Lào Cai, Lâm Đồng… Cùng với những thành công đó là sự ra đời của Hiệp hội Cá nước lạnh địa phương, các công ty, tập đoàn cá nước lạnh như một minh chứng rõ nhất cho sự phát triển ngày càng mạnh của nghề nuôi cá nước lạnh tại nước ta.
Tuy nhiên, chặng đường phát triển cá nước lạnh trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều nhiều khó khăn và vướng mắc cần được giải quyết. Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc Gia thì phát triển nuôi cá nước lạnh phải khắc phục được sáu điểm yếu là: quy hoạch, giống, thức ăn, vốn, thị trường và đội ngũ cán bộ kỹ thuật.
Cần có quy trình chuẩn về nuôi cá nước lạnh ở nước ta – Ảnh: Nam Anh
Một thực tế nữa, hiện nay sản phẩm đầu ra là cá thương phẩm đang bị cạnh tranh rất mạnh. Hiện, cá tầm có chất lượng tốt do công ty sản xuất có giá khoảng 210.000 đồng/kg (1-2 kg/con) nhưng cá tầm từ Trung Quốc bán trên thị trường chỉ có hơn trăm nghìn, rẻ hơn và chất lượng cũng thấp hơn, nhưng để phân biệt chất lượng không phải ai cũng biết. Trong khi đó dù trứng cá tầm là sản phẩm có giá trị nhưng hầu hết các đơn vị trong nước vẫn chưa thể cung cấp ra thị trường bởi thời gian nuôi cá lấy trứng ít nhất cũng 6 – 7 năm – Chị Vũ Thị Hồng Nhung, Công ty CP Cá tầm Phương Bắc cho biết.
Chặng đường dài phía trước
Việc phát triển cá nước lạnh theo hướng xuất khẩu hàng hóa là một định hướng đúng đắn và rất cần thiết. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế những gì đã diễn ra với con cá tra (sản phẩm gần như độc quyền của Việt Nam trên thế giới) hay con tôm xuất khẩu thì xem ra tiềm năng của loài cá nước lạnh này vẫn còn… khiêm tốn. Trong khi định hướng mới cho phát triển cá nước lạnh đang hình thành thì nhiều địa phương nuôi cá nước lạnh đã nảy sinh vấn đề về ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.
Cá tầm, cá hồi được nuôi từ nguồn nước lạnh tự nhiên sông suối hoặc trong các hồ chứa nước (hồ thủy điện, thủy lợi) có nhiệt độ nước thấp. Nguồn nước này thường không ổn định cả về chất lượng và số lượng nên nếu phát triển quá mạnh sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước và phát sinh dịch bệnh cho cá khi nhiệt độ tăng cao, rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các hồ chứa nước thường là hồ nhân tạo có lượng nước lưu thông ít, sức tải của thủy vực kém; vì vậy dễ phát sinh vấn đề về ô nhiễm môi trường, nhất là nuôi với mật độ dày, thời gian nuôi kéo dài. Hai nhân tố quan trọng nữa trong nghề nuôi cá nước lạnh là con giống và thức ăn. Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty TNHH Việt Đức cho biết, riêng thức ăn cho cá hồi thì chưa sản xuất được bởi cần phải có những “bí quyết” riêng mà hiện nay chưa doanh nghiệp nào làm được.
>> Hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có quy hoạch phát triển vùng nuôi cụ thể, quy trình kỹ thuật chuẩn về nuôi cá nước lạnh, nguồn nhân lực có trình độ còn rất hạn chế. Đây cũng là một trong những vấn đề cần giải quyết cấp bách trong thời gian tới. |