Giáo dục, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên: Từ thực tế một xã ven biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhân Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) là một trong những xã đi đầu thực hiện Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020”; trong đó, chương trình “Giáo dục và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên” cho nhiều kinh nghiệm đáng chú ý.

Trở ngại nhất: tâm lý e ngại

Trẻ vị thành niên, thanh niên chiếm 1/3 trong tổng số 10.000 người dân xã Nhân Trạch. Việc giáo dục, chăm sóc SKSS cho đối tượng này được triển khai đầu tiên bằng các buổi sinh hoạt câu lạc bộ trẻ vị thành niên, thanh niên tiền hôn nhân và hôn nhân thí điểm, ở một số thôn.

Các cộng tác viên dân số, cán bộ trạm y tế xã rất nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục, những dấu hiệu nhận biết của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng qua 2 buổi sinh hoạt tại 2 thôn của xã này, thấy hầu hết bạn trẻ còn rụt rè, e ngại. Đa số bạn trẻ đều muốn tìm hiểu kiến thức chăm sóc SKSS. Nhưng vì tâm lí xấu hổ nên hầu hết các buổi sinh hoạt đều diễn ra theo kiểu “gió thổi một chiều”. Các “thắc mắc” đặt ngược trở lại rất ít, dù các tư vấn viên không ngừng động viên, khuyến khích.

Sinh hoạt Câu lạc bộ vị thành niên, thanh niên thôn Tây, xã Nhân Trạch

Thành công trước mắt chỉ dừng ở những tờ rơi phát miễn phí cho những người tham gia chương trình. Những hình ảnh minh họa sống động, những nguyên nhân và dấu hiệu các bệnh đường sinh sản ở những tờ rơi đó được mọi người xem và đọc khá chăm chú, chứng tỏ họ rất quan tâm. Nhưng liệu họ có hiểu hết? Họ vẫn chưa thấy hết giá trị của việc đựợc giải đáp các chuyện “khó hiểu” mà nhiều khi muốn cũng chẳng biết hỏi ai. Chàng trai tên Cheo (16 tuổi, thôn Bắc) nói: “Ngại lắm. Mình cần thì lên internet, tìm các trang tư vấn để đọc thôi, chứ hỏi cha mẹ thì e bị nạt là bậy bạ…”. Bà Trương Thị Hiệp – Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, “đó là tình trạng chung hiện nay, cũng là khó khăn lớn khi tuyên truyền, giáo dục vấn đề này”.

 

Khó khăn còn nhiều

Thuận lợi lớn nhất là những lợi ích từ Đề án như: được hỗ trợ kinh phí hoạt động, qua đó các bạn trẻ được phát bao cao su miễn phí, tư vấn miễn phí về SKSS, KHHGĐ… Thêm nữa, luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm giúp đỡ về cơ sở sinh hoạt câu lạc bộ. Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ cùng vào cuộc của Hội Phụ nữ, Ban DS – KHHGĐ, Trạm y tế, Đoàn Thanh niên… trong xã. Nhiệt huyết, tận tâm vì thế hệ trẻ, mọi hoạt động từ Chương trình đã tạo ra môi trường lành mạnh, cởi mở. Cơ sở vật chất khám chữa bệnh ở trạm y tế xã được đảm bảo thuận lợi, nhất là có thêm máy siêu âm.

Tuy nhiên, kết quả có lẽ còn lâu mới được như ý. Khó khăn lớn nhất vẫn là thái độ thiếu quan tâm của khá nhiều thanh niên, cả nam lẫn nữ. Chính vì vậy, dù có sự vận động nhiệt tình của nhiều đoàn thể, tổ chức, nhưng số lượng vị thành niên, thanh niên đến với Chương trình vẫn chưa đông đảo. Ai đến nghe tư vấn là được nhận ngay “tiền uống nước” (10.000 đồng/người) nhưng số người tham gia chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tình trạng nạo phá thai không an toàn ở nhiều em gái còn rất trẻ (vì thiếu hiểu biết dẫn đến có thai ngoài ý muốn) vẫn cứ diễn ra.

Những chủ nhân tương lai của đất nước ngày một khỏe mạnh, thông minh hơn

Ban tổ chức cũng gặp khó khăn không ít. “Ví như những lúc cần loa phóng thanh để vận động sinh hoạt thì mất điện, rồi lại phải kết hợp tổ chức ngoài giờ hành chính, nhằm tranh thủ thời gian rỗi của mọi người, nên nhiều khi phải chạy bở hơi tai, mất ăn, mất ngủ, lo lắm” – Bà Hiệp nói. Khó khăn vậy nhưng tiền trợ cấp cho mỗi tư vấn viên chẳng đáng là bao, chỉ 30.000 đồng/người/buổi tư vấn.

Thiết nghĩ, để Chương trình có chiều sâu, có sức hút mạnh đối với đông đảo bạn trẻ, rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trong xã nói chung, chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên nói riêng. Trước hết, cần làm sao thay đổi quan niệm lạc hậu của nhiều gia đình, tạo tâm lý thoải mái, dễ dàng, cởi mở trao đổi về SKSS, để trẻ vị thành niên, thanh niên có thái độ nghiêm túc trong học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc SKSS đúng cách.

>>Phần lớn trẻ vị thành niên, thanh niên còn thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS, bình đẳng giới trong sinh sản, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (nhất là HIV/AIDS), các nguy cơ có thai ở tuổi vị thành niên do quan hệ tình dục trước hôn nhân…

Anh Xuân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!