Giây phút rượt đuổi kinh hoàng ở Linh Côn

Chưa có đánh giá về bài viết

Vụ việc tàu tuần tra Trung Quốc 4006 rượt đuổi và đâm gần chìm thuyền đánh cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ở khu vực đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa vào ngày 10/6, là một cuộc rượt đuổi kinh hoàng. Nhiều ngư dân có thâm niên 20 năm ở Hoàng Sa cho biết, mọi thứ diễn ra khốc liệt hơn cả phim ảnh.

Thế gọng kìm

Ngư dân Nguyễn Lộc, thuyền trưởng thuyền QNg 86416 TS kể lại giây phút cầm bánh lái, điều khiển chiếc thuyền (có 16 ngư dân) để chạy thoát khỏi tàu tuần tra Trung Quốc. Buổi sáng đó, thuyền vào cận đảo Linh Côn. Ở Hoàng Sa, đảo Linh Côn không bị Trung Quốc quân sự hóa mạnh mẽ như đảo Phú Lâm, vì vậy trong suốt 16 năm ra Hoàng Sa, chiếc thuyền của anh cứ lẽo đẽo tới gần đảo thả ngư dân lặn cá, sau đó lại chạy sang các đảo lân cận như Bạch Quy, Bom Bay, Chim Yến, về Xà Cừ.

Gọi là “lẽo đẽo”, vì con thuyền này ra Hoàng Sa là quá nhỏ. Chiều dài của thuyền chỉ 16,8 mét (các thuyền hiện nay dài 19 đến trên 21 mét). Chiếc thuyền này nếu nhìn xa thì giống như chiếc đò ngang, chứ không phải là tàu đánh cá loại lớn. Chấp nhận đi thuyền nhỏ, có thể gặp rủi ro khi biển nổi giông, nhưng bù lại là ngư dân trên thuyền được yên ổn, vì tàu tuần tra Trung Quốc thường bỏ qua những chiếc thuyền đánh cá nhỏ để rượt đuổi theo các tàu đánh cá loại lớn của bà con ngư dân ở Hoàng Sa.

Đuôi thuyền bị đâm va

Nhưng sự việc xảy ra vào sáng ngày 10/6 thì nằm ngoài dự kiến của ngư dân. Chiếc tàu Trung Quốc mang số 4006 tiến về phía thuyền đánh cá. Các ngư dân cho biết, anh em ra Hoàng Sa 16 năm nên đã nhẵn mặt các tàu tuần tra Trung Quốc, ở đảo nào thì sẽ bố trí tàu nào. Chiếc tàu 4006 là tàu mới được biên chế. Con tàu này hung hăng đuổi theo thuyền đánh cá và thuyền trưởng Lộc chỉ kéo nửa ga cho thuyền chạy tốc độ 7 hải lý/giờ.

Thuyền trưởng Lộc đứng tên chủ thuyền, nhưng chiếc thuyền này có cổ phần chia đều cho 2 người anh em khác, là ngư dân Nguyễn Đó và Nguyễn Đây. Khi thấy tàu Trung Quốc rượt theo, 2 ngư dân này luôn đi vòng ra phía sau, mắt quan sát động tĩnh. Chiếc tàu Trung Quốc bám theo khoảng 20 phút, hết ép bên trái đến vòng qua bên phải, áp sát rồi cua cắt mũi thuyền. Lính trên tàu ra hiệu ngư dân phải dừng thuyền đánh cá.

Không dọa nạt được chiếc thuyền đánh cá đang chạy về hướng kim la bàn 240 độ, chiếc tàu Trung Quốc dừng lại và thả ca nô. Ông Đây nhớ lại, lúc này đã hét lên “chắc nó quyết bắt, vì nó thả xuồng bay rồi!”. Tàu tuần tra ép mạn phải, ca nô ép mạn trái. Ngư dân Trần Văn Hà cho biết, tình cảnh lúc đó còn hơn cả phim hành động. Nó ép mũi thuyền và hất dần sang bên trái thì ca nô bám theo bên phải. Nhưng do thuyền trưởng kéo ga lên 1900 nên sóng lớn từ mũi thuyền làm cho ca nô này cứ áp vô rồi lại dạt ra. Nếu lỡ ca nô chở 8 tên lính Trung Quốc bị lật thì có thể sẽ bị hút về phía chân quạt là có người bỏ mạng.

Chiếc ca nô này bay từ bên trái có lúc dạt qua bên phải, tìm mọi cách áp sát để lính nhảy qua. Có lúc thuyền và ca nô dập mạnh vào nhau rồi dạt ra, trông cảnh tượng rất kinh khủng. Các ngư dân hô hào quyết tâm chạy, vì nếu dừng lại là coi chừng bị thu hết cá trên thuyền. Theo mô tả của các ngư dân thì nhìn toàn cảnh, trên biển lúc đó giống như một võ sĩ dẻo dai cố gắng trụ đòn trước một con cọp khổng lồ và một con chó sói nhỏ. Con chó sói lợi dụng tốc độ, nhỏ gọn để thỉnh thoảng lao vào cấu xé con mồi.

Chiếc ca nô liên tục lao mũi vào phía thuyền và bọn lính hò hét ra vẻ quyết tâm bắt cho bằng được thuyền đánh cá. Tàu tuần tra cũng tăng nhiệt bằng cách mở toang 2 bệ súng và chĩa thẳng vào ca bin, 2 họng súng di chuyển như đầu con rắn sắp vồ mồi. Khi chiếc ca nô xông vào sát mũi thuyền theo hướng cắt ngang và đã bị sóng lớn hất nghiêng khiến 2 tên lính rơi xuống nước. Đó là thời điểm rùng rợn nhất đối với các ngư dân. Vì thuyền đánh cá của ngư dân Tiêu Viết Là (quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cũng từng bị rượt đuổi tương tự và tàu tuần tra đã xả súng bắn bị thương 6 ngư dân, vì ca nô Trung Quốc xông vào chặn mũi thuyền đang chạy với tốc độ gần 10 hải lý/giờ nên bị sóng nghiêng ca nô, lính Trung Quốc rơi xuống biển.

 

Ngóng mùng 5

Ngư dân Võ Văn Bình nhớ lại, khi ca nô bị sóng hất nghiêng và xảy ra sự cố thì tàu tuần tra lồng lộn như thú dữ, nó lao tới đâm xẹt liên tục về con thuyền nhỏ. Lúc đó thuyền trưởng cũng phải giảm ga từ 1900 xuống dưới 1500 ga, vì máy thuyền vận hành hết công suất trong thời gian dài thì sẽ đỏ máy, đỏ ống khói. Cuộc đua đã kéo dài gần 30 phút và khi thuyền giảm tốc thì tàu Trung Quốc chạy ngang tốc độ để mũi tàu cách đuôi thuyền khoảng gần 1 mét, sau đó tàu nhấn ga để mũi tàu xúc tung mũi thuyền lên trời.

Lúc con thuyền chúi ngược xuống nước, thuyền trưởng Lộc miêu tả, chiếc thuyền như người say rượu, vì mất chân quạt điều khiển. Con thuyền chao đảo liên tục, gỗ gãy răng rắc, khi nhìn lại thì thấy 13 ngư dân rơi xuống biển, chỉ còn 3 người ôm cửa đu lại. Các ngư dân định thần và nhìn về phía các ngư dân đang bơi về 2 chiếc thúng đang trôi nổi trên biển. Ba tên lính Trung Quốc trèo qua thuyền, tìm máy bơm để hút nước ngập trong khoang thuyền. Các ngư dân hì hục tát và bơm nước để con thuyền nổi lên, sau đó khắc phục máy móc để trở về.

13 ngư dân văng xuống biển khi bị tàu Trung Quốc đâm vào phía sau

Tên lính phiên dịch Trung Quốc nói giọng trọ trẹ, hỏi về việc ngư dân đã vi phạm vùng biển của Trung Quốc. Nhưng ông Lộc và các ngư dân vẫn ra hiệu đây là vùng biển của Việt Nam. Giây phút giáp mặt với lính Trung Quốc, nhiều ngư dân nhớ lại cảnh đã từng bị bắt giữ và đưa về nhà giam trên đảo Phú Lâm, Hải Nam. Ngư dân Lê Hàn, Đặng Văn Tươi, Đỗ Minh Thành cho biết, anh em đều từng bị bắt, bị giam giữ nhiều ngày trên đảo. Ngư dân Đỗ Minh Thành thì sau 45 ngày ngồi tù được thả qua đường bộ về tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 12/6, các ngư dân đưa thuyền về cảng Sa Kỳ. Bộ đội Biên phòng đã tiến hành lập biên bản, ghi nhận những hư hỏng và thiệt hại trên thuyền. Ngay sau khi về đất liền, các ngư dân được đưa ngay đến Trung tâm Y tế cơ sở 2 của huyện Bình Sơn để cách ly, vì trên biển đã có tiếp xúc với lính Trung Quốc.

Trung tâm Y tế nằm gần biển. Hàng ngày, các ngư dân ngóng về đảo Lý Sơn qua ô cửa sổ. Ngư dân Nguyễn Hàn hỏi đi hỏi lại về việc “tụi em có kịp thời gian để về quê ăn mùng 5 tháng 5 hay không; bị rượt đuổi rồi về tới nhà lại bị cách ly…?”. Lúc này tôi mới sực nhớ ra một điều, đối với người dân ở đảo Lý Sơn, mỗi năm có đến 2 cái tết. Đó là Tết Nguyên đán và Tết Đoan Ngọ. Nếu thuyền đánh cá đi Hoàng Sa thì ngư dân thường lên máy Icom hẹn nhau cùng trở về đảo trước ngày mùng 5 tháng 5. Nhưng năm nay, 16 ngư dân đành lỡ hẹn.

>> Liên quan đến vụ việc tàu Trung Quốc đâm hư hỏng tàu cá QNg 86416 TS tại khu vực đảo Linh Côn, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quết.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!