Các rạn san hô có thể ví như “rừng nhiệt đới” của biển vì cũng được chia ra làm nhiều tầng và mức độ che phủ. Theo PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, nếu các rạn san hô bị mất đi, nguy cơ biển sẽ biến thành “thủy mạc”.
Vườn ươm san hô đang phát triển khá tốt tại Cù Lao Chàm. Ảnh: QUANG LÂM
Nhiều mối đe dọa
Theo kết quả điều tra năm 2016 kết hợp với các khảo sát trước đây, TS. Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Nguồn lợi thủy sinh Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã ghi nhận được 292 loài thuộc 23 họ san hô cứng tạo rạn. Sống cùng với hệ sinh thái này là hơn 370 loài sinh vật đáy và 278 loài cá. TS. Nguyễn Văn Long khẳng định, rạn san hô Cù Lao Chàm không chỉ góp phần điều hòa môi trường biển, cung cấp dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa mà còn là nơi cư trú, sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh không chỉ của vùng Cửa Đại – Cẩm Thanh, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm.
Báo cáo của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho thấy, từ năm 2008 đến 2016, độ phủ trung bình san hô cứng ở vùng biển Cù Lao Chàm đã giảm từ 14,4% xuống còn 11,5%. Mặc dù mức độ giảm không lớn nhưng điều đó cho thấy nhiều nguyên nhân đe dọa đến sự phát triển của các rạn san hô tại vùng biển Cù Lao Chàm. Một trong những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô tại vùng biển này là hoạt động của một số nghề khai thác thủy sản, mà đứng đầu danh sách là nghề lặn. Để khai thác hải sản, ngư dân hành nghề lặn nhiều khi giẫm đạp làm gãy san hô. Tiếp đến là các nghề lưới rê 1 lớp và 3 lớp cũng gây nên hiện tượng gãy san hô do một số ngư dân còn tổ chức khai thác trên các vùng có rạn san hô. Ngoài ra, một số nghề khai thác khác như lưới kéo (giã cào), lưới vây gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của san hô thông qua việc gây xáo trộn, phá vỡ cấu trúc nền đáy, có thể tạo trầm tích và lắng đọng lên rạn san hô, dẫn đến tẩy trắng và suy giảm độ phủ san hô sống. Hoạt động khai thác quá mức của các nghề này cũng là nguyên nhân chủ yếu làm giảm nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Cù Lao Chàm. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, sản lượng khai thác tại vùng biển này nói chung và trong vùng rạn san hô nói riêng đã suy giảm 50 – 70% so với 10 năm trước đây.
Bên cạnh đó, tình trạng du khách giẫm đạp lên rạn san hô trong quá trình bơi lội, lặn ngắm san hô vẫn còn xảy ra. Hay tình trạng sạt lở ở một số điểm thuộc tuyến giao thông quanh đảo khiến đất đá rửa trôi xuống vùng ngập triều làm chết san hô tại một số khu vực. Ngoài ra, các tác động từ thiên nhiên như lũ lụt làm rửa trôi phù sa ra đến tận chân đảo gây đục nước ảnh hưởng đến sinh trưởng của san hô hay tình trạng san hô bị tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng, độ mặn giảm; sự phát triển của sao biển gai – một địch hại của san hô cũng góp phần làm cho rạn san hô tại Cù Lao Chàm bị suy thoái.
“Rừng nhiệt đới” của biển – mái nhà che chở cho hàng trăm loài thủy sinh ở Cù Lao Chàm đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa và sinh kế của ngư dân cũng sẽ chịu tác động khá lớn.
Ươm mầm sống cho san hô
PGS-TS. Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang khẳng định, giữ rạn san hô sống ở mức từ khá đến tốt chính là yếu tố sống còn để duy trì nguồn lợi hải sản phục vụ phát triển nghề đánh bắt và du lịch. Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – ông Lê Vĩnh Thuận cho biết, rạn san hô là một trong 7 đối tượng tài nguyên mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Làm thế nào để duy trì và tăng độ phủ san hô sống tại các vùng rạn ở đây trước tác động của thiên nhiên và con người chính là trăn trở của những cán bộ làm công tác bảo tồn biển.
Với những kiến thức, kinh nghiệm được chuyển giao từ các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang, tháng 9.2015, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng thông qua việc triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng”. Chủ nhiệm đề tài, ông Lê Vĩnh Thuận cho biết, để thực hiện công nghệ này, cán bộ của khu bảo tồn và thợ lặn (là đại diện cộng đồng người dân Cù Lao Chàm) sau khi được huấn luyện kỹ thuật sẽ lặn xuống đáy biển phân mảnh/tách tập đoàn san hô. Tùy theo dạng tập đoàn và mức độ mà dùng kìm, kéo, búa… tách các tập đoàn san hô nhưng không gây ảnh hưởng đến tập đoàn san hô khác cũng như hạn chế tối đa sự gãy vụn của tập đoàn san hô cần di dời. Tập đoàn san hô sau khi được phân mảnh sẽ chuyển đến vị trí phục hồi và cố định trên các giá thể là nền đáy rắn như thềm san hô chết với khoảng cách trung bình 0,5 – 1,5m.
Qua gần 2 năm triển khai, ông Lê Vĩnh Thuận vui mừng cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã tiến hành tách 2.783 tập đoàn san hô và thực hiện phục hồi tại bãi Bắc và bãi Tra trên diện tích 4.000m2. Đồng thời đã xây dựng 2 vườn ươm tại bãi Bò và bãi Nần gồm 30 khung, kích thước mỗi khung 1m2, với tổng số 585 tập đoàn san hô. Kết quả đánh giá cho thấy, tỷ lệ sống bình quân của các tập đoàn san hô sau khi được tách và phục hồi đạt 79,8% cho toàn khu vực phục hồi, bao gồm phục hồi trên nền rạn tự nhiên và vườn ươm; tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm của san hô đạt 5,36cm. Tại các khu vực cho giống, chẳng hạn như ở bãi Xếp, tỷ lệ san hô sau khi được tách cũng phục hồi khá tốt với tốc độ tăng trưởng 13,07cm/năm. Điều này cho thấy sự thành công của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô. Đây cũng là cơ sở cho việc nhân rộng, phát triển các vườn ươm mới có quy mô lớn hơn ở Cù Lao Chàm và một số vùng biển trên địa bàn tỉnh.
Những mầm sống đã và đang vươn lên mạnh mẽ ở vùng biển Cù Lao Chàm. Rồi đây, cá tôm sẽ tiếp tục về quần tụ dưới mái nhà chung san hô để rồi lớn lên, phát tán ra bên ngoài, làm giàu thêm cho ngư dân xã đảo. Từ đây, du lịch thiên về ẩm thực ở Cù Lao Chàm cũng sẽ chuyển biến dần thành du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lặn ngắm san hô.