Gỡ khó cho cá tra: Nỗ lực tìm giải pháp tổng thể

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra đối diện nhiều khó khăn. Vậy trong năm 2013, cần phải làm gì để ngành cá tra nước ta phát triển bền vững? Vietnam’s Tra, Basa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Huy Điền (ảnh) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản về vấn đề này.

Theo dự báo, giá trị xuất khẩu cá tra nước ta năm nay sẽ đạt gần 1,8 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về con số này?

Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm (đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu chính EU, Mỹ, ASEAN…) đã ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10/2012, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 27,4 triệu USD, giảm 21% so cùng kỳ năm 2011 và tăng trưởng ở thị trường này trong quý IV sẽ chỉ còn 10 – 15%/tháng, giảm mạnh so với mức tăng 30 – 40% trước đó.

Dự báo của VASEP cho thấy, giá cả và sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU khó có thể phục hồi trong 2 tháng cuối năm 2012, thậm chí tiếp tục giảm so cùng kỳ năm ngoái với mức 24 – 27%/tháng. Cùng đó là những khó khăn nội tại (thiếu vốn, lãi suất cao, giá cả vật tư đầu vào tăng…).

Do vậy, con số dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt 1,8 tỷ USD (tương đương năm 2011) đã thể hiện rõ kết quả nỗ lực vượt khó của cộng đồng người nuôi, các doanh nghiệp, cũng như sự quan tâm chỉ đạo của ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, năm nay cả người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều thu lợi nhuận không cao, thậm chí một số thua lỗ. Theo VASEP, giá thức ăn quý III/2012 tăng 300 đồng/kg, sẽ tăng 300 đồng/kg nữa trong quý IV, tiếp tục đẩy giá thành sản phẩm tăng trong khi thị trường xuất khẩu cá tra chưa hồi phục, giá cá tra nguyên liệu khó có thể tăng cao. Vì vậy, những hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn trong tái sản xuất, nguồn nguyên liệu cho năm 2013 sẽ tiếp tục thiếu.

Nhiều hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ sẽ gặp khó trong tái sản xuất năm 2013 – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

 

 Vì sao Việt Nam nắm giữ trên 90% thị phần cá tra toàn cầu nhưng không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần, thưa ông?

Nói Việt Nam không có quyền quyết định giá bán là chưa chính xác. Hiện nay giá cá tra xuất khẩu của chúng ta chưa thực ổn định, vẫn còn một số doanh nghiệp xuất khẩu vì lợi ích cục bộ, cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước. Đây là vấn đề mà trong những năm qua cơ quan quản lý các cấp đã tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, giúp các bên tham gia chuỗi giá trị đều được hưởng lợi.

Tại Na Uy, những năm trước đây, sản lượng cá hồi gần như chiếm trọn thị phần trên thế giới và cũng rơi vào hoàn cảnh như cá tra Việt Nam. Đến nay, Na Uy đã vượt qua khủng hoảng và đã có mô hình điều hành sản xuất, tiêu thụ cá hồi rất hiệu quả. Chính vì vậy, ngành sản xuất cá tra Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm, nhằm đưa ra được giải pháp tổng thể có tính chiến lược dài hạn, để cá tra phát triển bền vững.

 

Năm 2012, Nhà nước đã có những hỗ trợ nào để giúp doanh nghiệp và người nuôi vượt qua khó khăn và hoạt động này đã thực sự hiệu quả chưa, theo ông?

Trước những khó khăn của người nuôi và doanh nghiệp trong những năm qua, nhất là năm 2012, Chính phủ đã sớm xác định những khó khăn và có những giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có cá tra. Tại Nghị quyết 13 của Chính phủ và Công văn 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, vốn cho doanh nghiệp sản xuất cá tra. Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành đi kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và đã có báo cáo Chính phủ về vấn đề này. Năm 2012, Bộ NN&PTNT cũng đã hoàn thành dự án thay thế 100.000 con cá hậu bị có tính trạng di truyền cao…

 

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, người nuôi và các doanh nghiệp cần phải làm gì để tự cứu mình?

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, có 3 việc người nuôi và doanh nghiệp cần phải lưu ý. Một là tăng cường liên kết trong sản xuất, như: liên kết ngang (người nuôi với người nuôi, doanh nghiệp với doanh nghiệp), liên kết dọc (người nuôi với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, ngân hàng, doanh nghiệp xuất khẩu). Những liên kết theo chuỗi này không chỉ để giải quyết vấn đề chu kỳ giá và sản lượng mà còn phù hợp yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững;

Kế đến người nuôi cần tuân thủ nuôi cá ở mật độ phù hợp khả năng đầu tư, chỉ nuôi khi đã có đầu ra, không nuôi ồ ạt thiếu quy hoạch (sẽ ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm, dễ bị ép giá, chịu sự cạnh tranh trên thị trường…);

Thứ ba là các doanh nghiệp cần phải tự cơ cấu lại sản xuất để tập trung vào ngành nghề chính, giảm chí phí sản xuất, từ đó giảm giá thành.

 

Vậy trong năm tới, cần có những giải pháp nào để giúp ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững, thưa ông?

Để giúp ngành cá tra Việt Nam phát triển bền vững trong năm tới, cần phải giải quyết những vấn đề cơ bản: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế chính sách); Làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường; Cân đối cung cầu; Tổ chức kiện toàn lại trong khâu xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam…; Tăng cường mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ”…

Phương Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!