Gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Đến nay, đã qua hai năm triển khai Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn than khó.

Nhiều bất cập

Theo phản ánh từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những quy định tại Thông tư 48 có nhiều điểm bất hợp lý. Về quy định “nguyên liệu hải sản nhập khẩu để chế biến hàng xuất khẩu vào EU phải được khai thác, vận chuyển bởi tàu có code EU; hoặc được kiểm tra, chứng nhận bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tương đương EU” là bất hợp lý. Đó là bởi, số lượng tàu cá có thể có code EU rất ít và thậm chí không có.

Cùng đó, tỷ lệ lấy mẫu căn cứ trên “số lô sản xuất” (lô hàng được sản xuất trong thời gian không quá 24 giờ tại một cơ sở), không phải là “lô xuất khẩu”; do vậy quy mô “số lô” tính toán sẽ cao lên nhiều. Việc chuyển từ lấy mẫu theo “lô xuất khẩu” sang “lô sản xuất” làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp 1,2 – 1,5 lần. Tỷ lệ này quá lớn so với nguyên tắc thẩm tra và so với quy định hiện hành của các nước EU, Mỹ, Canada, Thái Lan.

Mặt khác, Thông tư 48 có hiệu lực từ cuối 2013 nhưng Bộ NN&PTNT chưa có văn bản hướng dẫn để các doanh nghiệp được hưởng quyền lợi ưu tiên khi doanh nghiệp đã có các chứng nhận quốc tế (BAP, ASC, GlobalGAP…) mà VietGAP cũng đang đề nghị được hài hòa, công nhận với các tiêu chuẩn này. Không chỉ vậy, theo phán ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm được thực hiện tại Cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) tại Hà Nội, mà không ủy quyền cho các cơ quan vùng, điều này tạo nhiều bất cập. Đặc biệt, thủ tục lại khá phức tạp và gây khó cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở xa.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp khó với Thông tư 48 – Ảnh: An Đăng

 

Nhà quản lý nói gì?  

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cho hay, theo Luật An toàn thực phẩm và thông lệ quốc tế, nước xuất khẩu phải đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của nước nhập khẩu đưa ra. Do đó, khi EU quy định nguyên liệu thủy, hải sản khi nhập vào thị trường này cần được khai thác và vận chuyển từ tàu có code EU hoặc được kiểm tra, chứng nhận theo EU. Chúng ta không thể không tuân thủ; bởi, khi Việt Nam bỏ những quy định này mà phía EU phát hiện ra sẽ dừng nhập khẩu sản phẩm không chỉ một tàu, một đơn vị mà sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Cùng đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 41, Luật An toàn thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm xuất khẩu phải “phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm nước nhập khẩu”; Quy định của EU tại điểm a, khoản 2, Điều 12, Quy định 854/2004 ngày 29/4/2004: cơ sở sản xuất sản phẩm có nguồn gốc động vật trong danh sách xuất khẩu vào EU (bao gồm cả cơ sở xử lý nguyên liệu cung cấp cho cơ sở này) phải được cơ quan thẩm quyền bảo đảm/chứng nhận phù hợp các quy định liên quan của EU hoặc tương tự quy định của EU.

Do vậy, việc yêu cầu lô hàng thủy sản nhập khẩu (kể cả nhập khẩu từ tàu cá) vào Việt Nam làm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào EU phải từ tàu cá chế biến/cơ sở chế biến code EU hoặc được cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu chứng nhận, đáp ứng yêu cầu tương đương EU là hoàn toàn phù hợp.

Còn về vấn đề tỷ lệ lấy mẫu tăng cao làm tăng chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, ông Tiệp cho đó là do doanh nghiệp chưa nắm rõ thông tin. Hiện, theo thống kê có 45/120 nước nhập khẩu quy định doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào nước họ phải được cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm của Việt Nam chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và lấy mẫu thẩm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dự kiến xuất khẩu vào thị trường tương ứng. Mục đích, kiểm chứng quá trình sản xuất có đảm bảo hay không; do vậy, mẫu thẩm tra  được lấy trong quá trình sản xuất chứ không lấy mẫu từ lô hàng xuất khẩu. Mặt khác, việc lấy mẫu sẽ giúp quá trình cấp giấy chứng nhận cho lô hàng xuất khẩu ngay trong ngày doanh nghiệp đăng ký, thay vì phải đợi kết quả kiểm nghiệm mẫu.

Quy định về tỷ lệ lấy mẫu thẩm tra tại Thông tư 48 đã đáp ứng được 4 tiêu chí: phân loại điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất; mức độ rủi ro an toàn thực phẩm của sản phẩm; công suất quy mô cơ sở sản xuất và tỷ lệ lô hàng thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm của Việt Nam và nước nhập khẩu. Và theo thống kê, tỷ lệ lô hàng thủy sản Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền Việt Nam và nước ngoài cảnh báo chưa có nhiều cải thiện so với trước. Năm 2014, Việt Nam có 136 lô hàng thủy sản, tăng 12 lô so năm 2013; tỷ lệ cơ sở vi phạm trong nước là 1,56%, tăng so năm 2013.

>> Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD, toàn bộ chuỗi sản xuất phải tuân theo quy định của EU thì sản phẩm đó mới được xuất khẩu vào EU. Doanh nghiệp Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu từ nước khác thì toàn bộ quá trình sản xuất ở nước đó cũng phải theo quy định của EU để có thể truy xuất nguồn gốc. 

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!