Gỡ khó cho nuôi tôm trên cát tại Quảng Ngãi

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng lớn về nuôi tôm trên cát, nhiều năm nay nghề nuôi này đã mang lại những thành công đáng kể. Tuy nhiên về tổng thể, mô hình lại đang gặp nhiều thách thức, cần sớm được giải quyết.

Xây dựng hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát 

Theo quy hoạch, định hướng tái cơ cấu ngành, Quảng Ngãi đã ban hành xây dựng, đề xuất 7 dự án gồm, dự án xây dựng hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ với quy mô 37 ha; Dự án đầu tư hạ tầng nuôi tôm công nghiệp vùng đất cát xã Đức Minh, huyện Mộ Đức với quy mô 50 ha; Dự án nuôi tôm sử dụng điện năng lượng mặt trời tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ với quy mô 37 ha; Hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trên cát xã Đức Phong, huyện Mộ Đức với 25 ha; Dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung trên biển Lý Sơn với 30 bè nuôi; Dự án hạ tầng vùng nuôi tôm xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa với 26,5 ha; Dự án Khu sản xuất giống thủy sản mặn lợ tập trung tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức với 20 ha.

Từ năm 2003, Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản, Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi thực hiện mô hình nuôi tôm trên cát đầu tiên tại Việt Nam. Dự án mô hình thành công mở ra nghề nuôi mới cho tỉnh, cũng như các địa phương ven biển khác trên cả nước. Đến nay, diện tích nuôi tôm trên cát toàn tỉnh Quảng Ngãi là 244 ha, tập trung chủ yếu 2 huyện Mộ Đức và Đức Phổ, đa số diện tích nuôi là 2 – 3 vụ/năm, sản lượng nuôi tôm trên cát hằng năm trên 5.000 tấn, năng suất bình quân trên 12 tấn/vụ.

Theo phân tích của Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, nghề nuôi tôm trên cát hiện đang đứng trước những khó khăn. Hầu hết các vùng nuôi tôm trên cát chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước cấp và nước thải đạt yêu cầu, nên sau một thời gian môi trường vùng nuôi có biểu hiện ô nhiễm, tôm thường xuyên bị bệnh, nên hằng năm có một phần diện tích ao hồ bị bỏ trống. Đồng thời, điều kiện khí hậu tỉnh Quảng Ngãi tương đối khắc nghiệt, đặc biệt do ảnh hưởng El Nino nên những năm gần đây nắng nóng rất gay gắt, gây ra những đợt bệnh dịch ở tôm nuôi. Trước thực tế này, người dân đã thay đổi, cải tiến phương pháp nuôi tôm như nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi ghép tôm – cá rô phi, nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, mật rỉ đường, dùng tỏi phòng bệnh, sử dụng nghệ, chuối để kích thích tiêu hóa cho tôm, các hình thức nuôi này đã đem lại hiệu quả đáng kể cho ngành tôm tỉnh.

Tuy nhiên, để nghề nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã đề nghị Vụ Nuôi trồng Thủy sản xem xét kiến nghị Bộ NN&PTNT cho chủ trương đầu tư và bố trí vốn thực hiện cho các dự án nêu trên, trong đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi cần được quan tâm, đây là vấn đề bức xúc và cần thiết hỗ trợ người nuôi; qua đó, kiểm soát đầy đủ các yếu tố đầu vào như nguồn nước, con giống, vật tư, chủ động ứng phó thời tiết khắc nghiệt, kiểm soát đầu ra như nước thải… đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định.

>> Theo phản ánh của người dân thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tại đây có nhiều đường ống xả thải từ hồ nuôi tôm đấu thẳng ra biển, dòng nước đen, bốc mùi hôi thối. Tình trạng này gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đe dọa sự sống của các loài thủy sinh gần bờ, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân.

Nguyễn Trang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!