Gỡ khó cho vùng tôm Cà Mau

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ đầu năm đến nay, bên cạnh các yếu tố từ thời tiết người nuôi tôm tại Cà Mau còn gặp khó khăn từ dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao, người nuôi thua lỗ… Đó là chia sẻ của ông Ngô Thanh Lĩnh, Phó Tổng thư ký Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Cà Mau (CASEP).

Thế mạnh của thủy sản Cà Mau là gì, thưa ông?

Thế mạnh của Cà Mau là nuôi tôm và chế biến thủy sản; trong đó, hình thức nuôi quảng canh, sinh thái đang ngày càng phát huy hiệu quả, đây cũng là chiến lược phát triển trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh tôm sú là đối tượng truyền thống và chủ lực của Cà Mau, năm 2008, tôm thẻ chân trắng cũng được đưa vào nuôi trong những vùng có quy hoạch và phát triển nhanh; từ 1.400 ha năm 2008, 2013 là 10.000 ha. Cà Mau cũng là địa phương duy nhất sản xuất tôm sinh thái với quy mô lớn tại Việt Nam. Tôm sinh thái được chứng nhận theo tiêu chuẩn nội bộ dựa trên tiêu chuẩn Natrurland của Đức và được cấp chứng nhận bởi IMO (Institure for Marketecology) Thụy Sỹ.

Cà Mau hiện có 32 công ty và gần 38 xí nghiệp trực thuộc với tổng công suất thiết kế trên 190.000 tấn/năm, các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến cũng được đánh giá là hiện đại và ngang tầm với các nước trong khu vực, nhưng chỉ có trên 40% sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt giá trị gia tăng, còn lại chủ yếu xuất khẩu hàng thô, hàng sơ chế. Hầu hết các nhà máy, công ty trên địa bàn đều bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong các mặt hàng tôm trên địa bàn vẫn chưa cao.

 

Thời gian qua, người nuôi tôm cả nước nói chung và Cà Mau nói riêng gặp không ít khó khăn. Chia sẻ của ông về điều này?

Cà Mau là một trong những địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất cả nước; nhưng tình hình giá tôm rớt kéo dài đang tác động mạnh đến vùng nuôi nguyên liệu vốn đang đối diện nhiều khó khăn. Những tháng đầu năm 2015, chỉ có mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến là cho hiệu quả ổn định; còn các diện tích nuôi công nghiệp đều chịu thiệt hại. Thống kê cho thấy, đến thời điểm này, Cà Mau mới thả nuôi được 4.300 ha/9.300 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp; và có tới trên 1.000 ha tôm nuôi bị chết. Nguyên nhân là do giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, nhất là giá thức ăn từ đơn vị sản xuất tới người nuôi trồng chênh lệch tới 20%, giá thuốc 30 – 40%; trong khi giá tôm lại giảm mạnh khiến người nuôi tôm vô cùng bất lợi và chịu rủi ro cao.

Cùng với đó, thời gian qua sản lượng tôm nuôi một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc… phục hồi đã ảnh hưởng đến giá tôm trên thị trường. Rõ ràng, dù xác định tôm là vật nuôi mũi nhọn nhưng chúng ta đã bị động trước những diễn biến của thị trường quốc tế, trước sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực…

 

Giải pháp nào để ngành tôm Cà Mau phát triển ổn định và bền vững, thưa ông?

Để ngành tôm Cà Mau phát triển ổn định, bền vững thì các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương phải cùng vào cuộc để ổn định và điều chỉnh giá vật tư đầu vào (thức ăn, thuốc, nguyên liệu), giảm chi phí cho người nuôi, có như vậy người dân mới yên tâm sản xuất, tạo giá trị kinh tế.

Cùng đó, địa phương cũng cần tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu; Sở NN&PTNT tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh nghiên cứu các tiêu chuẩn chứng nhận nuôi trồng thủy sản quốc tế để từng bước nâng cao giá trị con tôm Cà Mau, mang lại lợi nhuận cho người dân, doanh nghiệp.

>> Sản phẩm của Cà Mau đã có mặt trên 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 2010 đến nay, bình quân kim ngạch xuất khẩu của Cà Mau đạt trên 1 tỷ USD/năm; sản lượng thủy sản khoảng 400.000 tấn/năm trở lên.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!