Hiện nay, nhiều quy định trong lĩnh vực thủy sản được nhận định còn bất cập, cả trong vận chuyển tiêu thụ nội địa, đến nhập khẩu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Mâu thuẫn trong quy định khiến doanh nghiệp như “ngồi trên lửa”.
Mới đây nhất là việc áp thuế 5% đối với trứng Artemia nhập khẩu. Trước đây mặt hàng này thuộc mã hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, thế nhưng hiện nay sau 5 năm thực hiện, sản phẩm lại được thay đổi mã và áp thuế 5%. Nhiều doanh nghiệp bị truy thu số tiền lên tới vài tỷ đồng. Mặc dù trước đó khi Bộ Tài chính đưa ra vấn đề này thì cả Bộ NN&PTNT, các hiệp hội và doanh nghiệp đều phản đối và cho rằng, áp thuế 5% và truy thu trong 5 năm qua là không hợp lý. Ngành chức năng đã đồng thuận đưa về mức 0%, tuy nhiên, sau khi ban hành, chuyện đâu vẫn hoàn đó. Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, cơ quan chức năng đã “tiền hậu bất nhất”.
Nhiều ý kiến thắc mắc, tại sao phải 5 năm sau Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hải quan TP Hồ Chí Minh mới “phát hiện” ra sự nhầm lẫn trong quy định mã hàng hóa nhập khẩu mặt hàng này?
Một bức xúc của doanh nghiệp thủy sản nữa trong thời gian qua là việc kiểm dịch thủy sản nhập khẩu phục vụ chế biến xuất khẩu. Các doanh nghiệp cho rằng, có quá nhiều điều chưa phù hợp và làm khó họ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, hiện nay thủ tục kiểm dịch thủy sản nhập khẩu cho mục đích chế biến, xuất khẩu mặc dù đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nhưng vẫn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ: đối với loại hình nhập kinh doanh, thời gian làm thủ tục đăng ký và sau kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận theo quy trình của Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT vẫn còn rất dài.
Cụ thể, khi nhập hàng về, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký kiểm dịch tại Cục Thú y. Theo quy định thời hạn giải quyết Đăng ký kiểm dịch không quá 5 ngày làm việc. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp thủy sản hầu hết tập trung ở các tỉnh phía Nam, nên khi gửi hồ sơ ra ngoài Hà Nội thì nhiều trường hợp mất tới 8 – 10 ngày… Thời gian chờ đợi để được thông quan như vậy khiến doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất.
Khâu kiểm dịch thủy sản vẫn còn nhiều vướng mắc – Ảnh: Thanh Ngân
Cách đây không lâu, lãnh đạo Chi cục Thú y Lạng Sơn đã chia sẻ trên báo rằng, một số quy định đang làm khó người “thi hành công vụ”. Ông này dẫn chứng, theo quy định về thú y tại khoản 3, Điều 29, Nghị định 33/2005/NĐ-CP của Chính phủ thì động vật, sản phẩm động vật dưới nước, lưỡng cư khi lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát trong các trường hợp: động vật thương phẩm, sản phẩm động vật trước khi đưa ra khỏi địa phương trong trường hợp đang xảy ra dịch bệnh tại địa phương đó; động vật để làm giống trước khi đưa ra khỏi cơ sở sản xuất giống. Còn trong Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT quy định thủy sản, sản phẩm thủy sản khi vận chuyển, lưu thông trong nước phải được kiểm dịch một lần tại nơi xuất phát nếu là thủy sản giống, thủy sản thương phẩm, sản phẩm thủy sản đưa ra khỏi vùng có công bố dịch.
Với quy định như vậy, nếu không nắm chắc nguồn gốc của những lô hàng đang vận chuyển, buôn bán trên địa bàn thì lực lượng thú y không dám tiến hành kiểm tra vì sợ bị kiện lại…
Quy định được ban hành để việc quản lý có sự thống nhất và chặt chẽ, điều này là cần thiết. Trước mỗi sự ra đời của một quyết định, thông tư mới, bao giờ cũng có những buổi lấy ý kiến, thế nhưng, sao vẫn khó có được “tiếng nói chung” giữa các bên liên quan!