T6, 07/02/2025 02:42

Bền vững – Hành trình không điểm dừng

(TSVN) – Năm 2000, tôm vượt qua cá ngừ đóng hộp trở thành sản phẩm hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ và duy trì vị trí này cho đến nay. Viện Nghề cá Quốc gia ước tính mức tiêu thụ tôm ở Mỹ đã tăng đều đặn từ năm 2013, đạt đỉnh 5,9 pound/người vào năm 2021. Tôm chiếm 38% tổng lượng hải sản tiêu thụ hàng năm tại Mỹ, nhiều hơn tổng cộng cá ngừ đóng hộp, cá rô phi, cá tuyết Alaska, cá tra, cá tuyết và cua.

Thị trường tôm toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng 6,72% mỗi năm trong 5 năm tới, với giá trị ước tính lên tới 69,35 tỷ USD vào năm 2028.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ tôm trên thế giới ngày càng tăng, nhưng sản xuất tôm vẫn gặp phải những vấn đề cố hữu, khiến việc duy trì bền vững trở nên khó khăn. Ngành tôm nuôi đã có sự tiến bộ đáng kể trong ba thập kỷ qua về hiệu quả. Tuy nhiên, phần lớn trại nuôi không đảm bảo tiêu chí bền vững và bị chỉ trích bởi thực trạng phá hủy môi trường sống, sử dụng hóa chất, kháng sinh.

Suy thoái rừng ngập mặn là vấn đề bị lên án nhiều nhất khi ngành nuôi tôm phát triển vào đầu những năm 2000. Sự phát triển của ngành nuôi tôm tại các vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Nam Mỹ đã phá hủy hàng triệu ha rừng ngập mặn. Tổ chức Bảo tồn Quốc tế ước tính khoảng 40% diện tích rừng ngập mặn toàn cầu đã bị xóa sổ, chủ yếu do sự mở rộng của các trang trại nuôi tôm.

Hiện nay, một số nước sản xuất tôm đang triển khai các chương trình phục hồi rừng ngập mặn tại những ao tôm bị bỏ hoang với sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ (NGO). Tại Việt Nam, mô hình nông lâm kết hợp – phương pháp canh tác mới đưa rừng ngập mặn và cây xanh vào trong các trang trại nuôi tôm để tạo môi trường nuôi tôm lành mạnh – ngày càng phổ biến và được đánh giá cao về tính bền vững.

Một vấn đề môi trường phổ biến khác của các trại nuôi tôm hiện đại là sử dụng kháng sinh dẫn đến xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc. Sự lây lan của các mầm bệnh mới tại các trang trại nuôi tôm ở Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn rất phổ biến. Mặc dù lượng kháng sinh được sử dụng trong nuôi tôm ngày nay đã giảm đáng kể so với 30 năm trước, nhưng đây vẫn là mối lo ngại dai dẳng và đe dọa đáng kể tới môi trường ven biển và đại dương. Tuy nhiên, số lượng trang trại nuôi tôm đạt chứng nhận sinh thái đã tăng đáng kể. Theo ước tính của Seafood Certifications and Ratings Collaboration, 15,7% sản lượng tôm nuôi trên toàn cầu được chứng nhận ASC, BAP hoặc Fair Trade.

Một số chuỗi cung ứng tôm đang chật vật ngăn chặn lao động cưỡng bức và các vi phạm nhân quyền khác. Sau sự cố chấn động về lạm dụng nô lệ trong ngành chế biến tôm của Thái Lan vào năm 2015, hàng loạt tổ chức trên thế giới đã tăng cường đầu tư vào kiểm toán và các tiêu chí xã hội trong các chứng nhận bền vững hiện có. Quỹ David và Lucile Packard, một nhà tài trợ lớn trong lĩnh vực thủy sản bền vững từ năm 1968, gần đây cam kết đặt công bằng và bình đẳng làm trọng tâm trong các nỗ lực tài trợ thủy sản trong tương lai.

Ngoài yếu tố môi trường, BAP và ASC đã đưa các tiêu chí kiểm toán xã hội và tiêu chuẩn lao động vào hệ thống chứng nhận. Người mua tôm, đặc biệt là các nhà bán lẻ, đang dần tích hợp các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội vào chính sách thu mua sản phẩm của họ. Các hệ thống chứng nhận thực hành lao động công bằng cũng đang được mở rộng bất chấp thách thức bởi ngành tôm cần lao động giá rẻ để duy trì lợi nhuận.

Ngành nuôi tôm hiện tại và tương lai vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường và xã hội. Hành trình phát triển bền vững, do đó, vẫn tiếp diễn, thúc đẩy ngành tôm toàn cầu không ngừng cải thiện tiêu chuẩn và mang lại tác động tích cực cho toàn ngành nuôi trồng thủy sản và chuỗi cung ứng khác.

Wally Stevens CEO - Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!