T2, 20/11/2023 09:42

Đầu tư trong bối cảnh mới

(TSVN) – Vùng ĐBSCL có diện tích phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên 1,3 triệu ha; trong đó nuôi mặn, lợ khoảng 886 nghìn ha (chiếm 89% diện tích tiềm năng nuôi mặn, lợ của cả nước), nuôi ngọt khoảng 480 nghìn ha (chiếm 52% diện tích tiềm năng nuôi ngọt cả nước).

Đối tượng nuôi chủ lực là cá tra, tôm thẻ chân trắng, tôm sú; và nhiều loài khác, cả các loài chịu được môi trường phèn đục như cá lóc, rô, lươn… NTTS vùng đất này đã tận dụng được tiềm năng, lợi thế to lớn, hiện chiếm 71% diện tích, 56% sản lượng (khai thác chiếm 36,6%, nuôi trồng 70,4%) và 60% giá trị xuất khẩu của cả nước. 

Tuy nhiên, NTTS ĐBSCL nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tỷ lệ nuôi bán thâm canh, thâm canh còn thấp, do đó năng suất bình quân mới đạt khoảng 3,7 tấn/ha, thấp hơn năng suất bình quân của cả nước đã đạt khoảng 4 tấn/ha. Đầu tư NTTS chưa tương xứng với tiềm năng, liên kết trong sản xuất theo chuỗi còn nhiều hạn chế. 

Vùng ĐBSCL lại đang chịu tác động lớn về biến đổi khí hậu, một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Thời tiết hầu như không còn dự đoán được theo kinh nghiệm truyền thống. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP xác định “Biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu phải thích nghi và sống chung, phải biến thách thức thành cơ hội” với định hướng phát triển trọng tâm là: Thủy sản – cây ăn quả – lúa gắn với hệ sinh thái. 

Bối cảnh mới đặt ra cơ hội và thách thức mới cho đầu tư phát triển NTTS ĐBSCL. Đáng chú ý là những ưu tiên đầu tư thực hiện giai đoạn 2021 – 2030 đã được Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/8/2021 và Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022. 

Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn, có năng lực quản trị và công nghệ cao, thân thiện với môi trường vào xây dựng liên kết chuỗi giá trị thủy sản tại các vùng nguyên liệu chủ lực, phát triển các trung tâm hậu cần – vận chuyển, phát triển công nghiệp chế biến sâu tại các thành phố lớn. Ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương vào các cụm công nghiệp – dịch vụ tại các vùng lõi của khu vực chuyên canh chủ lực. Ưu tiên đầu tư hiện đại hóa các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ NTTS. Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ hiện đại trong nuôi trồng và chế biến. 

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030, theo Cục Thủy sản: Tốc độ tăng giá trị NTTS đạt trên 4%/ năm. Diện tích nuôi trồng trên 990.000 ha, sản lượng trên 4.800.000 tấn. Tốc độ tăng sản lượng thủy sản chế biến trên 6%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng trung bình trên 40% (tôm đạt 60%, cá tra 10%, cá ngừ 70%, mực và bạch tuộc 30%, thủy sản khác 30%). Xuất khẩu trên 9 tỷ USD (tôm nước lợ và cá tra chiếm trên 80%). Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống thủy lợi đáp ứng trên 50% nhu cầu ở các vùng NTTS tập trung. 

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!