T5, 17/02/2022 10:30

Kỳ vọng liên kết phát triển

(TSVN) – Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Trong đó, phát triển ngành thủy sản thành ngành sản xuất chiến lược, nuôi thủy sản theo hướng tập trung công nghiệp, ưu tiên các sản phẩm chiến lược như tôm, cá tra. Liên kết và thủy lợi là những giải pháp được coi trọng.

Tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm. Báo cáo của Sở Công thương tỉnh này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (chủ yếu là tôm) của Sóc Trăng năm 2021 đạt 1,03 tỷ USD, tăng gần 23% so năm 2020, cũng là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm. Báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, năm 2021 thả nuôi tôm 53.000 ha, tăng 2,49% so năm trước. Trong đó, nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Năng suất nuôi TTCT trong ao bạt tại huyện Trần Đề lên đến 21 tấn/ha. Bình quân năng suất nuôi thâm canh TTCT là 5 tấn/ha, tôm sú 4,5 tấn/ha. Nhờ đó, sản lượng tôm 183.194 tấn, tăng 17,8% so năm trước, gấp nhiều lần số tăng diện tích.

Đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu trò chuyện với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam bày tỏ kỳ vọng vùng kinh tế thủy sản của tỉnh ở huyện Trần Đề và lân cận sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Đó là nhờ mở cảng nước sâu và giao thông kết nối để bật dậy tiềm năng to lớn của vùng đất ven biển giàu có.

Cảng cá Trần Đề là một cảng cá lớn ở ĐBSCL, hàng năm có hơn 18.000 lượt tàu cập cảng; có 25 doanh nghiệp thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, so với tiềm năng còn nhiều hạn chế, nhất là cơ sở vật chất thiếu đồng bộ. Vừa rồi, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 hơn 18 ha. Còn Bộ Giao thông vận tải quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định Cảng cá Trần Đề là cảng biển loại III, có bến container tiếp nhận tàu tải trọng 100.000 tấn, tàu hàng rời bến 160.000 tấn.

Bên cạnh, cầu Đại Ngãi sắp bắc qua sông Hậu, cùng đường cao tốc để vùng ven biển này không còn xa xôi. Con tôm cũng như sản phẩm thủy sản Sóc Trăng rộng đường đến với thị trường trong nước và nhiều nước khác sẽ nâng cao giá trị, tạo ra cuộc sống mới.

Đầu năm kỳ vọng tương lai, Chủ tịch Trần Văn Lâu không quên nhìn lại năm 2021 đầy sóng gió đại dịch bệnh, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Ông nhớ lại đầu tháng 9/2021, lao động đi làm ăn ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ chạy về quê nghìn ngịt. Chỉ 2 ngày đầu tháng đã có 32.000 người dân Sóc Trăng ở xa chạy về quê, việc chạy về quê kéo dài nhiều ngày để cuối cùng đạt hơn 60.000 người là con số thống kê được. Nhiều đêm, Chủ tịch Lâu và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cùng nhiều cán bộ lãnh đạo địa phương trực tiếp đi đón, tặng quà, cung cấp lương thực, động viên và hướng dẫn bà con về quê an toàn.

Vùng đất giàu tiềm năng mà người dân còn phải chạy vất vả, để giải quyết, Chủ tịch Lâu cùng tập thể lãnh đạo địa phương xác định một trong các giải pháp chính là phát triển ngành thủy sản vùng ven biển. Chủ tịch Lâu còn chủ động đề xuất liên kết 7 địa phương vùng Nam Sông Hậu và một chương trình liên kết phát triển kinh tế – xã hội đã được ký đầu tháng 11/2021.

Sáu Nghệ

Nhà báo Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!