T4, 04/10/2023 10:02

Phát triển mạng lưới cung ứng thủy sản

(TSVN) – Ngày 13/9/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan có công văn yêu cầu các địa phương siết chặt quản lý để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) thủy sản của nước ta xuất khẩu sang EU.

Công văn cho hay: “Trong tháng 6/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã cử đoàn thanh tra điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thủy sản xuất khẩu của Việt Nam và đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế về điều kiện vệ sinh của các cơ sở trong chuỗi sản xuất, chế biến, đặc biệt tại các cơ sở trong khâu sản xuất ban đầu (khai thác, nuôi trồng); hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật trong quản lý nhà nước chưa cao”. Cho nên các địa phương phải khẩn trương khắc phục các sai lỗi về hệ thống kiểm soát, nhằm đạt được sự minh bạch chuỗi cung cấp sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đến người tiêu dùng có chất lượng cao. 

Đây là vấn đề không mới nhưng đang là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành thủy sản hiện nay. Trong chuyến đến Bỉ làm việc với các cơ quan của EC hôm 18/9/2023 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan để vận động gỡ “thẻ vàng” IUU thì mục tiêu chính cũng nhằm đạt tới chuỗi cung cấp hải sản minh bạch. Cụ thể là hải sản được kiểm soát từ đánh bắt, qua cảng đến chế biến, xuất khẩu đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định. Kể cả nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến xuất khẩu cũng phải được kiểm soát theo quy định một cách minh bạch. 

Tại các phiên làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam xác định chống khai thác IUU còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững. Đây là trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Tại thị trường Trung Quốc, nhập thủy sản Việt Nam nhiều nhất hiện nay, cũng yêu cầu minh bạch chuỗi cung cấp, mỗi sản phẩm có mã QR trên bao bì cho người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy đầy đủ thông tin của sản phẩm. Ngược lại, nhà sản xuất cũng có thể truy cập được dữ liệu người tiêu dùng và sử dụng để tối ưu hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh. 

Phân tích của VASEP, các thị trường lớn trên thế giới hiện nay đều yêu cầu minh bạch chuỗi cung cấp sản phẩm. Cũng chính vì thế, các dịch vụ thông minh, kỹ thuật số và sáng tạo đã trở thành trọng tâm phát triển trong các hệ thống cung ứng thủy sản. 

Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản rà soát các chương trình quản lý chất lượng ATTP đối với các cơ sở cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm cho việc chế biến, xuất khẩu. Chủ động thiết lập chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường. Cụ thể như: Thiết lập điều kiện cơ sở sản xuất ban đầu, tiêu chuẩn nguyên liệu, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, sơ chế nguyên liệu, bán thành phẩm đảm bảo ATTP. Định kỳ hoặc đột xuất giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng hóa chất kháng sinh của những cơ sở cung cấp nguyên liệu. Tất cả nhằm bảo đảm chất lượng cao cho sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần phát triển ngành thủy sản Việt Nam. 

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!