T5, 23/07/2020 05:35

Thủy sản năm 2015 và cái đích bền vững

Tại hội thảo GOAL 2014, Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho hơn 400 chuyên gia: “Thách thức lớn nhất của ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) là gì?”.

Các câu trả lời không khiến tôi ngạc nhiên, bởi hơn 1/2 chuyên gia đều điểm lại những biến cố lớn nhất của ngành một năm qua: đại dịch tôm chết sớm (EMS) làm tê liệt ngành công nghiệp tôm nhiều nước châu Á; kim ngạch xuất khẩu và doanh thu giảm mạnh; vướng mắc trong quản lý dịch bệnh. Chỉ 13% trả lời “Nhận thức của người tiêu dùng là thách thức lớn nhất”.

Trước khi đặt câu hỏi, bản thân tôi cũng cho rằng “nhận thức của người tiêu dùng” là một trong 7 yếu tố cản trở hoạt động NTTS. Người tiêu dùng nhiều nước Âu – Mỹ đánh đồng sản phẩm nuôi kém chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh. Người Mỹ thích tôm Vùng Vịnh hơn, dù đắt, bởi tôm Vùng Vịnh là tôm tự nhiên. Người Australia thích cá biển hơn. Người châu Âu, sau khi biết cá tra nhập khẩu là cá tra Việt Nam nuôi, cũng hạn chế mua hàng, khiến giá giảm liên tiếp. Có thể thấy người tiêu dùng chưa đặt niềm tin hoàn toàn vào sản phẩm thủy sản nuôi. Họ sợ sức khỏe bị ảnh hưởng khi ăn thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kém vệ sinh.

Tại GOAL 2014, tôi được nghe câu chuyện thú vị từ Scott Williams, Phó Chủ tịch quản lý chất lượng và môi trường của Công ty B.J. (Mỹ). Scott chia sẻ thông tin về người tiêu dùng hiện nay, những người thuộc thế hệ Y (sinh đầu những năm 1980 và 2000) đều kỳ vọng sản phẩm thủy sản mà họ bỏ tiền ra mua phải được sản xuất có trách nhiệm. Chỉ có thủy sản nuôi bền vững mới có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đang tăng đáng kinh ngạc và đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 9 tỷ người trên khắp hành tinh. Ngành NTTS toàn cầu là một “sân chơi” lớn, nhiều nước cùng tham gia; nếu không nỗ lực hướng tới tương lai bền vững thì sẽ sớm bị loại khỏi “cuộc chơi”; phần thưởng giá trị nhất dành cho người thắng cuộc chính là “niềm tin của người tiêu dùng”.

Từ thành công và thiếu sót của ngành NTTS năm qua, càng thấy chúng ta phải gia tăng sản xuất theo hướng có trách nhiệm, hiệu quả, đảm bảo lợi nhuận. Câu hỏi không mới đối với ngành NTTS nhưng luôn cần chúng ta tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất: ở đâu, làm gì và thế nào?

Năm 2014, sản xuất thủy sản bền vững ngày càng lớn mạnh. Thủy sản được nuôi khắp nơi từ ngoài khơi, ven biển, đất liền đến núi đá. Chúng ta cần nguồn thức ăn tốt, thành phần thay thế mang tính bền vững. Cùng đó, nâng cao công tác quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công nghệ sản xuất tiên tiến cũng là yếu tố cần thiết cho phát triển ngành NTTS. Ngoài ra, cần tìm cách thu hút các chuyên gia, các nhà đầu tư, nghiên cứu kỹ thị trường và người tiêu dùng; bởi họ đang đặt yêu cầu ngày càng cao đối với tính hiệu quả, khả năng kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuyên suốt chuỗi sản xuất. Chúng ta cần công nghiệp hóa ngành NTTS, để thực hiện sứ mệnh “đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu” hiệu quả, có trách nhiệm.

Giám đốc điều hành GAA

Wally Stevens

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!