T2, 17/07/2023 11:06

Tôm siêu thâm canh giảm năng suất

(TSVN) – Giải pháp phát triển nuôi tôm siêu thâm canh là phối hợp với các cơ quan nghiên cứu triển khai, ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi, bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp, tiết kiệm.


Số liệu của UBND tỉnh Bạc Liêu, địa phương đang phấn đấu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, trong 6 tháng đầu năm  2023, sản lượng tôm nuôi đạt 74.585 tấn, tăng 13,03% so cùng kỳ năm trước, với nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được mở rộng. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư.
Trong đó, nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc đưa vào khai thác đã giúp cho việc tăng sản phẩm chế biến chất lượng cao. Xuất khẩu tôm trong 6 tháng: Sản lượng 38.801,98 tấn, tăng 6,8% so cùng kỳ; kim ngạch 405,75 triệu USD, tăng 6,98%.

Nuôi tôm siêu thâm canh ở Bạc Liêu vẫn đà phát triển diện tích nhưng năng suất lại giảm. Số liệu của Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, nuôi tôm siêu thâm canh bắt đầu từ năm 2015 với diện tích 76 ha, đến 6 tháng đầu năm 2023 tăng lên 3.478 ha; sản lượng từ 1.570 tấn tăng lên 23.774 tấn. Về số tổ chức, cá nhân nuôi tôm siêu thâm canh, năm 2015 có 1 tổ chức và 1 hộ, đến 6 tháng đầu năm 2023 đã có 25 tổ chức, 832 hộ. Còn năng suất đã giảm gần 22%, bình quân năm 2015 là 20,66 tấn/ha, 6 tháng đầu năm 2023 là 16,28 tấn/ha.

Công nghệ áp dụng trong nuôi tôm siêu thâm canh khá hiện đại. Đó là ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước nuôi tôm trong nhà kín; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, thu thập dữ liệu từ các ao; ứng dụng công nghệ Biofloc.

Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề. Phần lớn áp dụng quy trình nuôi thay nước và xiphong hàng ngày với thải lượng khoảng 20 – 50% thể tích ao nuôi. Trong lúc, ý thức tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, quy hoạch vùng nuôi của nhiều người còn hạn chế, nên môi trường nước phục vụ cho nuôi tôm siêu thâm canh đang có dấu hiệu bị suy thoái, ô nhiễm. Trên một số tuyến kênh các thông số chỉ thị chất ô nhiễm hữu cơ như NO2-, NH3, COD thường xuyên vượt ngưỡng cho phép, đồng thời xuất hiện vi khuẩn gây bệnh trên tôm như Vibrio parahaemolyticus. Việc cấp mã số cơ sở nuôi với các hộ còn đạt rất thấp, đến tháng 6 năm 2023 mới cấp được 217/832 cơ sở, đạt 26,1%.

Giải pháp phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu là phối hợp với các cơ quan nghiên cứu triển khai, ứng dụng quy trình, công nghệ nuôi, bảo vệ môi trường hiệu quả, phù hợp, tiết kiệm. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường ở các tuyến kênh trọng điểm, tuyến kênh đầu nguồn. Đồng thời, làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thức ăn, hóa chất, vật tư NTTS và bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho hay, trong 6 tháng cuối năm 2023, “tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Chú trọng hướng dẫn các giải pháp quản lý môi trường phòng chống dịch bệnh, giảm thiệt hại cho tôm, phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!