T2, 29/05/2023 10:14

Tư duy mở – Hành động nhanh – Kết quả thật

(TSVN) – Số liệu của Bộ NN&PTNT cho hay, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 13,3% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, các mặt hàng chủ lực của thủy sản giảm mạnh nhất, xuất khẩu cá tra giảm 39,9% (chỉ đạt 558 triệu USD), xuất khẩu tôm giảm 39,6% (chỉ đạt 843 triệu USD). Về thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thị trường châu Mỹ giảm 39,6%; Châu Đại Dương giảm 31%, châu Phi giảm 21,2%; châu Âu giảm 13%. Tính tỷ trọng xuất khẩu, thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, đến 40,5% so cùng kỳ, nên sau 4 tháng đầu năm 2023 chỉ còn chiếm 18,9%.

Trước đó, tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công thương tổ chức ngày 26/4/2023, Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhận xét, xuất khẩu thủy sản giảm tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Nguyên nhân được đánh giá do kinh tế toàn cầu suy thoái, người tiêu dùng giảm chi tiêu, trong lúc doanh nghiệp xuất khẩu lại khó tiếp cận vốn để khắc phục khó khăn.

Ở tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch HĐQT Cafatex Nguyễn Văn Kịch cho biết, tại các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, người tiêu dùng giảm chi tiêu khiến hàng tồn kho nhiều dẫn đến giá cá, tôm giảm từ 20 – 30% so cuối quý IV/2022 nhưng vẫn khó xuất khẩu. Còn ở tỉnh Sóc Trăng, Tổng Giám đốc Vina Cleanfood Võ Văn Phục cho hay, trong 4 tháng đầu năm, số lượng đơn hàng giảm hơn 30% nên đã phải giảm 1/4 trong số hơn 4.000 lao động, những người còn làm việc cũng phải nghỉ luân phiên để co kéo, duy trì hoạt động.

Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phân tích khó khăn tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp trong bối cảnh điều chỉnh chứng khoán, trái phiếu dẫn đến khó duy trì được hoạt động kinh doanh bình thường chứ chưa nói đến nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông Tuấn đề xuất, việc tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua tham tán thương mại, trong đó tập trung vào các quốc gia thuộc khối CPTPP và EU.

Xuất khẩu khó khăn, trong lúc NTTS lại tăng sản lượng đang dẫn tới nguy cơ khủng hoảng thừa thủy sản tại các vựa sản xuất. Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm 2023 nuôi trồng đạt khoảng 1,4 triệu tấn, tăng 3% so cùng kỳ  năm trước; cá tra đạt sản lượng khoảng 486.000 tấn, tăng 2,6%; tôm đạt sản lượng khoảng 241.000 tấn, tăng 2,8%. Sản xuất thủy sản tiếp tục đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nếu diễn ra khủng hoảng thừa sẽ gây ra nhiều thiệt hại để hậu quả về sau.

Trong bối cảnh khó khăn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các cơ quan tham mưu xây dựng chính sách cần tạo ra không gian phát triển cho nông dân, doanh nghiệp. Người làm chính sách cần tư duy cởi mở để người nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhanh chóng, trực tiếp. Chú trọng hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh hiệu quả, trong đó có chính sách tiếp cận vốn, tín dụng. Bộ trưởng nêu phương châm cho những người làm chính sách trong ngành là “Tư duy mở – Hành động nhanh – Kết quả thật”, để toàn ngành vượt qua thách thức trước mắt cũng như lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững.

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!