T2, 06/11/2023 01:46

Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

(TSVN) – Số liệu của Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2023, diện tích NTTS bị thiệt hại 22.500 ha, tăng 12% so với 20.089 ha bị thiệt hại của cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh, còn có 1.513 bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.

Tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại 19.853 ha, tăng 222 ha so với cùng kỳ năm 2022, gồm thiệt hại do dịch bệnh 5.129 ha (chiếm 25,8% diện tích tôm bị thiệt hại), do biến đổi môi trường và thời tiết 13.809 ha (chiếm 69,6%, chủ yếu tôm nuôi quảng canh ở Cà Mau), còn lại không xác định được nguyên nhân. Các địa phương trọng điểm nuôi tôm là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau đều có diện tích tôm mắc bệnh nhiều.

Cá tra thiệt hại 341 ha; giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022; chủ yếu bệnh gan thận mủ, xuất huyết, ký sinh trùng. Xảy ra nhiều tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long.

Thiệt hại trên các loài thủy sản khác không có biến động lớn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn rất đáng quan tâm ở các bãi ngao/nghêu, cá nước ngọt nuôi lồng bè.

Hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine để chủ động phòng bệnh cho tôm, giáp xác, nhuyễn thể, mới có vaccine phòng một số ít bệnh cho cá. Vì vậy, phòng bệnh chủ yếu phải dựa vào các biện pháp an toàn sinh học và quản lý ao nuôi, xây dựng quy trình nuôi phù hợp, đặc biệt là xử lý nguồn nước ao nuôi và kiểm soát nguồn giống. Trong bối cảnh diễn biến thời tiết cực đoan, nuôi thủy sản còn phổ biến mô hình không kiểm soát (nuôi quảng canh, lồng bè trên sông, ao truyền thống) sẽ thường trực nguy cơ bùng phát dịch bệnh, kể cả các bệnh thông thường.

Cục Thú y khuyến nghị một số biện pháp cụ thể hiện nay. Người nuôi chủ động khai báo diện tích thủy sản bị thiệt hại hoặc dịch bệnh. Các địa phương và người nuôi tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm kịp thời đối với thủy sản bị chết, bị thiệt hại để xác định nguyên nhân, có biện pháp xử lý triệt để.

Trong khó khăn, giải pháp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh càng nổi bật vai trò quan trọng, cần được quan tâm phát triển. Tính đến nay, cả nước đã có 32 cơ sở an toàn dịch bệnh, gồm 30 cơ sở sản xuất tôm (27 cơ sở sản xuất tôm giống với số lượng hàng năm 40 tỷ post, 3 cơ sở nuôi tôm thương phẩm) và 2 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu.

Cục Thú y đang tiếp tục hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và OIE để phục vụ xuất khẩu. Bao gồm Tập đoàn Việt Úc (tại Bạc Liêu, Bình Định và địa phương khác); Công ty CP Thực phẩm Trung Sơn (tại Kiên Giang); Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (tại Phú Yên); Công ty TNHH Moana Ninh Thuận. Cục Thú y đã cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ khảo sát và hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh.

Ở nhiều địa phương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh chủ động theo quy định. Kỳ vọng, các cơ sở an toàn dịch bệnh không ngừng phát triển cuối năm nay và lan rộng năm tới, trong sản xuất tôm, cá tra cùng các loài thủy sản khác.

Sáu Nghệ

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!