T2, 09/10/2023 02:35

Xua tan không khí ảm đạm

(TSVN) – Năm 2000, ngành tôm của châu Á nói chung và Thái Lan nói riêng cũng gặp phải một số vấn đề nhưng đều có thể giải quyết rất nhanh bằng các giải pháp công nghệ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, sản lượng tôm nuôi của toàn châu Á đã tăng gấp 3 lần. Ngày nay, ngành tôm vẫn đang đối mặt vô số thách thức, nhưng liệu có thể giải quyết nhanh gọn và dứt điểm bằng công nghệ như trước đây?

Hiện nay, sản lượng tôm vẫn đang tăng liên tục trong khi chi phí sản xuất không giảm, còn quy mô thị trường cũng như sức hấp thụ cũng không được mở rộng tương xứng với sản lượng. Năm 2014, khi sản lượng tôm toàn cầu chỉ 3,33 triệu tấn, giá bán tôm của Thái Lan đạt mức 7,62 USD/kg. Nhưng đến năm 2022, khi nguồn cung tôm toàn cầu vọt lên 5,37 triệu tấn, giá tôm của Thái Lan rớt xuống 5,6 USD/kg. Dường như đã “bão hòa” ở châu Á, ngành tôm Thái Lan phải tìm đến đất Mỹ với hy vọng vùng nuôi mới sẽ có nhiều lợi thế hơn so với châu Á. 

Câu chuyện của Thái Lan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo với ngành tôm châu Á. Từng độc chiếm vị trí đầu bảng trong ngành tôm toàn cầu, nhưng đến nay châu Á đã bị Mỹ Latinh “vượt mặt”, mà Ấn Độ và Ecuador là hai minh chứng điển hình. Sau khi đại dịch EMS tàn phá nhiều quốc gia nuôi tôm hàng đầu châu Á, những khu vực chưa bị EMS tấn công như Ấn Độ và Ecuador lại đầu tư ồ ạt vào tôm nuôi và làm thay đổi cục diện ngành tôm toàn cầu. 

Châu Á theo đuổi mô hình nuôi tôm thâm canh cách đây cả thập kỷ và giờ đây Mỹ Latinh cũng mới bắt đầu đi theo mô hình này. Latinh sử dụng lại công nghệ của châu Á như quạt nước, thức ăn chất lượng, mật độ thả nuôi cao hơn, hệ thống khép kín, máy cho ăn tự động và gia hóa tôm bố mẹ. Một xu hướng nuôi tôm mang “phong cách” châu Á lặp lại, nhưng ở một châu lục hoàn toàn khác với nguồn lực đa dạng hơn. 

Dịch bệnh từng là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người nuôi tôm và khiến họ bất lực. Ngày nay, dịch bệnh hoàn toàn có thể được ngăn chặn từ sớm nếu người nuôi tôm thể hiện vai trò tích cực trong công việc quản lý hệ thống trang trại, chẳng hạn như giảm yếu các tố gây căng thẳng, hoặc giảm tỷ lệ chết. Công nghệ hỗ trợ sản xuất thuận lợi và dễ dàng, ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả nhưng cũng kéo theo nguy cơ giảm phát. Sản lượng tăng cao khiến nguồn cung dư thừa cũng là một trong những nguyên nhân làm cho giá tôm sụt giảm nghiêm trọng hơn. 

Giá tôm cổng trại của Ecuador vẫn thấp nhưng số lượng xuất khẩu tăng vọt đã bù lại tất cả. Trong khi giá tôm của Malaysia cao hơn nhờ tiêu thụ nội địa mạnh. Đáng ngại nhất là nông dân Thái Lan và Việt Nam đang cùng lúc đối mặt hai thách thức: Giá bán tôm thấp và chi phí sản xuất tăng cao, do đó họ cần phải làm việc nỗ lực hơn các đối thủ. Nông dân không thể kiểm soát các tác nhân thị trường – những yếu tố kinh tế quyết định giá cả, nhu cầu và mức cung hàng hóa, nhưng họ có khả năng kiểm soát chi phí sản xuất. 

Trong bối cảnh dư nguồn cung như hiện nay, chỉ những người nuôi tôm chi phí thấp mới chiến thắng. Không khí ảm đạm đang bao trùm ngành tôm châu Á và công nghệ có thể trở thành giải pháp. Tuy nhiên, công nghệ nuôi tôm xứng đáng đầu tư phải là công nghệ mang lại năng suất cao, giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. 

ROBINC MCINTOSH

Giám đốc Charoen Pokphand Foods, Thái Lan

Bình luận

Chưa có bình luận

Viết bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!