(TSVN) – Trong thời gian gần đây, tỉnh Hà Nam đã xác định rõ định hướng phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả. Cụ thể, đẩy mạnh quy hoạch các khu nuôi trồng thủy sản tập trung; nhân rộng mô hình nuôi sông trong ao, nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa; đồng thời tăng cường chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, đặc biệt ở các vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao giá trị thủy sản.
Đột phá
Những năm gần đây, nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong đã có sự phát triển mang tính đột phá. Người dân áp dụng theo hướng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đặc biệt, đã có những mô hình nuôi thủy sản xây dựng được chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả trên diện tích mặt nước nuôi trồng.
Theo Chi cục Thống kê Hà Nam, tháng 5/2025, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh diễn ra trong điều kiện tương đối khả quan nhờ thị trường tiêu thụ ổn định và giá cả duy trì ở mức tích cực. Điều này góp phần tạo động lực cho người nuôi mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao năng suất và sản lượng thủy sản.
Người dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Mạnh Hùng
Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5/2025 ước đạt 2.319,2 tấn, tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng cá ước đạt 2.305,3 tấn, tăng 5,7%; tôm ước đạt 1,63 tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác ước đạt 12,3 tấn, tăng 4,2%. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 11.166,6 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng cá ước đạt 11.102,2 tấn, tăng 4,4%; tôm ước đạt 16,1 tấn, tăng 0,8%; thủy sản khác ước đạt 48,3 tấn, tăng 1,7%.
Hiện, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất thủy sản có quy mô tập trung, chủ yếu được chuyển đổi từ ruộng trũng. Toàn tỉnh hiện có 21 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, gồm: 19 HTX nuôi trồng thủy sản nội đồng và 2 HTX nuôi cá lồng trên sông Hồng. Các HTX nuôi tại ao, hồ, đầm có diện tích sản xuất bình quân từ 20 – 40 ha mặt nước. Ngoài ra, nhiều địa phương hình thành các tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp,…
Tại các vùng nuôi, người dân đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng năng suất, chất lượng sản phẩm. Áp dụng theo phương pháp ao nổi đắp cao bờ, trải bạt, dùng guồng sục tạo khí ôxy. Sử dụng máy cho cá ăn, giảm công lao động. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học cải tạo, làm sạch nước tại các ao nuôi. Đặc biệt, một số cơ sở đã đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến “sông trong ao” vào sản xuất. Năng suất cá hiện nay được nâng lên rất nhiều so với trước, bình quân đạt 10 – 15 tấn cá/ha/năm. Nhiều diện tích ao nuôi thâm canh và mô hình “sông trong ao” đạt 20 – 30 tấn cá/ha/năm. Cùng với áp dụng công nghệ, người dân tích cực chuyển đổi, đưa các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao vào nuôi chuyên canh, như các loại cá: trắm đen, lăng, diêu hồng, chép lai, chép Koi,… cho giá trị sản xuất vượt trội so với sản xuất truyền thống. Riêng diện tích nuôi cá trắm đen thâm canh với năng suất 20 tấn/ha/năm đạt giá trị sản xuất lên đến gần 1 tỷ đồng.
Phát triển các đối tượng nuôi đặc sản
Để nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới, người nuôi cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, thâm canh, bán thâm canh; chú trọng đầu tư các đối tượng có giá trị kinh tế tại những khu nuôi trồng thủy sản tập trung, các vùng có điều kiện thuận lợi; duy trì hiệu quả nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao”, nuôi cá lồng, đây là những mô hình có khả năng cho năng suất vượt trội.
Bên cạnh đó, phát triển các đối tượng nuôi đặc sản có giá trị cao, như: ốc nhồi, ếch, lươn, ba ba, cá trắm đen, cá chạch,…; quan tâm mở rộng diện tích ương nuôi cá giống các loại (cá truyền thống, cá lăng đen, cá rô đồng,…) và chủ động sản xuất giống một số đối tượng như ốc nhồi, ba ba phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư nuôi thủy sản bằng các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến sản phẩm,…
Thanh Hiếu
Hiện, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 5.500 ha; trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản thương phẩm truyền thống hơn 5.400 ha, 50 ha nuôi các loại thủy đặc sản (cá trắm đen, ốc nhồi, lươn, cua, ba ba,…).