(TSVN) – Để nuôi trồng thủy sản phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ cao; coi trọng khâu quản lý môi trường, quản lý dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học; tập trung phát triển các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP),…
Thời gian qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Hà Nội phát triển ổn định cũng góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng chung của ngành. Theo Chi cục Thống kê TP Hà Nội, tháng 4/2025, diễn biến thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản tháng ước đạt 10 nghìn tấn (chủ yếu sản lượng cá nuôi trồng), tăng 3,9% so cùng kỳ năm trước; Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 37,8 nghìn tấn, tăng 3,9%.
Mặc dù diện tích không biến động nhiều nhưng sản lượng thu hoạch tăng. Nguyên nhân là do các mô hình nuôi thả theo phương thức thâm canh, nuôi cá chép năng suất cao, cá rô phi đơn tính, cá lăng trong lồng cho năng suất, sản lượng cao hơn so với nuôi trồng truyền thống.
Nhiều hộ nuôi áp dụng mô hình ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả tích cực. Ảnh: Trung Nguyên
Cùng với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngành Nông nghiệp Hà Nội triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực thủy sản như: Tích cực đưa giống mới, công nghệ mới vào nuôi trồng, quản lý tốt môi trường nuôi, phòng chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học; khuyến khích hộ nuôi đầu tư lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo hiệu quả kinh tế cao,…
Hà Nội hiện có hơn 16.470 hộ nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích 24.700 ha, tập trung tại các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Gia Lâm, Ứng Hòa,…; trong đó có 69 cơ sở áp dụng nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), tổng diện tích 510ha; 12.920 cơ sở ký cam kết an toàn thực phẩm,… Nhiều hộ đã đầu tư nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng kháng sinh,… doanh thu đạt từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.
Để nuôi trồng thủy sản phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, bảo đảm mục tiêu vừa phát triển kinh tế thủy sản vừa chống úng ngập, dự trữ nguồn tài nguyên nước, bảo đảm điều hòa không khí, môi trường sống lý tưởng cho dân cư Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến trong sản xuất; coi trọng khâu quản lý môi trường, quản lý dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học nhằm giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP),…
Cùng với đó, địa phương tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ cho các vùng nuôi trồng tập trung; hệ thống mương cấp nước từ các sông; hệ thống cấp, thoát nước vùng nuôi; giao thông vùng nuôi; hệ thống xử lý môi trường; phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; ưu tiên phát triển giống đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng,… Đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tiếp tục khuyến khích nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản Hà Nội.
Nguyễn An