Hà Tĩnh: Chăm sóc thủy sản nuôi trước diễn biến thời tiết bất lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong nuôi trồng thủy sản, thời tiết thay đổi thất thường, nắng mưa xen kẽ, gây biến động môi trường theo chiều hướng bất lợi. Sự thay đổi này khiến thủy sản nuôi giảm sức đề kháng, dễ nhiễm các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, làm tăng nguy cơ dịch bệnh và ảnh hưởng hiệu quả nuôi. Vì vậy, việc chủ động chăm sóc, quản lý và phòng ngừa dịch bệnh khi thời tiết bất lợi sẽ là yếu tố then chốt quyết định thành công của vụ nuôi.

Thời tiết cực đoan – Nguy cơ tiềm ẩn cho thủy sản nuôi

Với gần 1,3 ha ao đã thả 10 vạn con tôm thẻ chân trắng được gần 2 tháng, tôm đang phát triển tốt, đã đạt kích cỡ 75 con/kg. Tuy nhiên, những ngày qua ông Trương Quang Tùng ở xã Hộ Độ thành phố Hà Tĩnh đang hết sức lo lắng vì đây là giai đoạn nhạy cảm của tôm nuôi lại gặp phải thời tiết bất thuận, nắng mưa xen kẻ làm môi trường ao nuôi luôn biến động. 

Ông Tùng cho biết: Khi thời tiết nắng nóng sẽ khiến nhiệt độ nước tăng, tảo, vi khuẩn sinh trưởng mạnh. Nguy hiểm hơn khi đang nắng nóng gặp mưa dông thì càng khiến  khiến tôm nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và phát sinh bệnh, nhất là bệnh phân trắng. Đây là bệnh thường xảy ra vào giai đoạn nuôi tôm từ 2 tháng trở lên, có thể làm giảm năng suất 20-30%. 

Theo kinh nghiệm của ông Tùng, để phòng bệnh phân trắng thì việc thường xuyên kiểm tra và thay nguồn nước ao nuôi, cũng như diệt khuẩn định kỳ là rất cần thiết. Cùng với đó, duy trì mực nước ao nuôi từ 1,2m trở lên và chạy quạt tạo oxy đáy liên tục để hạn chế phân tầng nhiệt độ… Nếu gặp mưa giông, bên cạnh theo dõi, điều tiết mực nước, tăng thời gian chạy quạt hạn chế phân tầng nước thì cần phải rắc vôi quanh bờ ao, xử lý nước ao nuôi bằng chế phẩm sinh học để các yếu tố môi trường ổn định. 

Những ngày này, ông Trương Quang Tùng (xã Hộ Độ, TP Hà Tĩnh) luôn túc trực chăm sóc tôm nuôi. 

Do thời tiết diễn biến bất thường cùng với việc con giống mang sẵn mầm bệnh khi gặp điều kiện môi trường không thuận lợi sẽ làm dịch bệnh bùng phát mạnh. Hàng năm, trên gần 50 ha diện tích nuôi tôm tại vùng  nuôi Hà Voọc, thuộc xã Hộ Độ, thường xuất hiện các bệnh nguy hiểm như đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi, HTX Nuôi trồng Thủy sản Hà Voọc đã quán triệt 43 thành viên tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ và quy trình kỹ thuật do ngành chuyên môn hướng dẫn, nhằm hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Trương Quang Lộc – Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Voọc, xã Hộ Độ cho biết: Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, HTX luôn nhắc nhở bà con quan tâm các yếu tố môi trường bằng cách đo nhiệt độ, kiểm tra độ pH, độ kiềm, độ mặn mỗi ngày ít nhất 2 lần (sáng, chiều), đồng thời, kiểm tra sức khỏe tôm để có chế độ cho ăn hợp lý, bổ sung các vitamin, khoáng chất,…  nhằm tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Việc kiểm tra sức khỏe cá và vệ sinh lồng nuôi được các hộ nuôi cá lồng tại xã Thạch Sơn thường xuyên thực hiện.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hoài, hộ nuôi cá lồng ở thôn Sông Hải, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà cho biết: Vào mùa này, thời tiết nắng nóng xen kẻ mưa dông, không khí oi bức làm cá nuôi trong lồng dễ bị stress và mắc bệnh do nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Vì vậy, ngoài theo dõi, kiểm tra sức khỏe của cá thì bà Hoài còn thường xuyên vệ sinh lồng nuôi, khi nắng nóng bà đã sử dụng lưới đen để che chắn phía trên mặt lồng, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất cho cá nuôi để tăng sức đề kháng. 

Chủ động các biện pháp kỹ thuật – Giảm thiểu thiệt hại

Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết tại Hà Tĩnh vẫn duy trì nắng nóng và xen kẽ những đợt mưa giông. Đây là điều kiện bất lợi đối với nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Sự thay đổi của thời tiết làm môi trường nuôi xáo trộn, tôm cá dễ sốc nhiệt, giảm ăn, sức bơi yếu, tăng nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, ngành chuyên môn đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các hộ nuôi tập trung nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, ổn định môi trường nuôi kịp thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra. Theo đó, người nuôi tôm cần chủ động thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để hạn chế thiệt hại.

Trước sự thay đổi bất lợi của thời tiết các hộ nuôi trồng thủy sản cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc quản lý,… hạn chế thiệt hại xảy ra.

Đối với nuôi tôm nuôi nước lợ, người nuôi cần theo dõi thường xuyên nhiệt độ nước ao nuôi và màu tảo. Vì khi nắng nóng, tảo có thể phát triển quá mức. Tuy nhiên, biện pháp cắt tảo có thể thực hiện như pha loãng nước, sử dụng vôi vào ban đêm, men vi sinh, enzym…

Bên cạnh đó, tăng thời gian quạt nước, nhằm ổn định nhiệt độ nước ao nuôi, nhất là từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau để tăng hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là oxy đáy ao.

Sử dụng mái che lưới lan vào thời điểm nắng nóng, nâng cao độ sâu mực nước ao nuôi hơn 1,4m; giảm lượng thức ăn từ 20 – 30% khi trời nắng nóng, ngừng cho ăn khi có nắng gay gắt, chỉ nên cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc khi chiều mát.

Ngoài ra, người nuôi cần bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa, thảo dược vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Không dùng kháng sinh tràn lan, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

 Khuyến khích sử dụng các sản phẩm thảo dược, chế phẩm sinh học có nguồn gốc rõ ràng để hỗ trợ phòng bệnh tự nhiên, an toàn cho tôm và môi trường.

Đối với nuôi lồng, người nuôi cần san thưa mật độ. Nơi đặt lồng bè phải có mực nước sâu tối thiểu khi triều thấp là 4 m. Thực hiện che lưới lan để giảm ánh nắng trực tiếp; khi trời oi, đứng gió hoặc khi có mưa dông cần bổ sung oxy hòa tan kịp thời; chủ động theo dõi môi trường xung quanh lồng và màu nước, từ đó tiến hành ngay việc chuyển lồng bè nuôi đến nơi an toàn. Ngoài ra, người nuôi cũng cần bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và theo dõi sát tình trạng tôm cá nuôi để kịp thời ứng phó.

Nguyễn Hoàn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!