(TSVN) – Mưa lớn kéo dài làm các yếu tố môi trường ao nuôi như nhiệt độ nước, độ mặn, pH, độ kiềm, hàm lượng khoáng, vi tảo, ôxy hòa tan,… bị giảm đột ngột. Để hạn chế thiệt hại, người dân Hà Tĩnh hiện đang tích cực triển khai kịp thời các giải pháp bảo vệ tôm nuôi.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ảnh hưởng kết hợp nhiễu động trong đới gió đông hoạt động trên độ cao 1.500 – 3.000 m, tương tác với địa hình của khu vực đèo Ngang nên tỉnh Hà Tĩnh có mưa rất lớn từ chiều 24/5 đến ngày 25/5.
Ông Nguyễn Văn Tranh (xã Hộ Độ, TP Hà Tĩnh) cho biết, ông chưa từng chứng kiến trận mưa lớn kỷ lục vào cuối tháng 5 như vừa qua. Trận mưa kéo dài nhiều giờ đã khiến mực nước trong hồ nuôi dâng lên rất nhanh, khoảng 60 – 80 cm. Thời tiết bất lợi như hiện nay sẽ khiến người nuôi phát sinh thêm nhiều chi phí xử lý nguồn nước và chi phí để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. “Ngay ngày hôm sau, tôi đã chủ động triển khai các biện pháp ổn định môi trường nuôi, phòng ngừa nhiễm khuẩn nguồn nước, đảm bảo điều kiện phát triển cho tôm”, ông Tranh chia sẻ thêm.
Người nuôi cần duy trì sục khí để đảm bảo môi trường cho tôm sinh trưởng. Ảnh: BHT
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ dân nuôi tôm, mưa lớn kéo dài thường khiến cho nước trong ao bị ngọt hóa nhanh, môi trường xáo trộn dẫn tới tôm bị sốc nhiệt, khả năng tiêu thụ thức ăn kém, bơi lội yếu,… Trong trường hợp này, nêu người dân không tiến hành những biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh, ổn định môi trường nuôi kịp thời, tôm sẽ chết và nổi hàng loạt.
Trước nguy cơ mưa lớn phát sinh một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, làm biến động lớn các chỉ số môi trường nước trên tôm nuôi, chính quyền địa phương đã liên tục hướng dẫn, thông tin đến các địa phương kịp thời triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các hộ nuôi tập trung nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, theo dõi sát các chỉ số môi trường nước như: nhiệt độ nước, pH, độ mặn, độ kiềm, vi tảo, hàm lượng khoảng, ôxy hòa tan,… Bên cạnh đó, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, triển khai các biện pháp kịp thời, hiệu quả, hạn chế dịch bệnh (nếu có) phát sinh và lây lan.
Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 ha nuôi tôm, tập trung tại các huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh,… Ngành chuyên môn khuyến cáo, mưa lớn kéo dài sẽ khiến các chỉ số trong môi trường nuôi biến động, tạo tiền đề cho các tác nhân gây bệnh trong nước như: virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,… sinh sôi. Nhằm tránh tình trạng độ mặn trong ao nuôi bị thay đổi đột ngột do mưa lũ, người nuôi cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để lên kế hoạch điều tiết nước.
Đối với các vùng đất chua phèn, người nuôi có thể sử dụng vôi để khử phèn, nâng pH và bổ sung khoáng. Bên cạnh đó, duy trì thời gian sục khí nhằm đảm bảo điều kiện sinh trưởng cho tôm, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời, cần bổ sung Vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ngoài ra, người nuôi cần sử dụng hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa (nếu bị ô nhiễm). Trường hợp tôm bị chết, cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tiêu độc, khử trùng…
Lê Loan