(TSVN) – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp khiến việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra ngày càng khó khăn, giá cả bấp bênh. Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ đồng hành của cấp ngành, cùng với sự chủ động của người nuôi trong việc tìm kiếm các giải pháp thích ứng với biến đổi của thời tiết và áp dụng các quy trình nuôi an toàn đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng
Hà Tĩnh hiện có hơn 7.360 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, khi hiện tượng nắng nóng kéo dài, mưa lũ thường xuất hiện đã làm môi trường nuôi trồng thủy sản ngày càng suy giảm, các loài thủy sản nuôi thường xuyên mắc bệnh.
Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật đã được người nuôi thủy sản tại Hà Tĩnh áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao ba giai đoạn không chỉ giúp nông dân quản lý, kiểm soát tốt quá trình phát triển của tôm mà còn giảm thiểu rủi ro, góp phần nâng cao thu nhập của bà con nông dân theo hướng bền vững.
Anh Dương Quốc Khánh ở thành phố Hà Tĩnh thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn
Là mô hình đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đầu tư nuôi tôm 3 giai đoạn, ứng dụng công nghệ vi sinh và lọc nước tuần hoàn, tháng 3/2022 anh Dương Quốc Khánh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng nuôi tôm tại xứ Đồng Ghè.
Anh Dương Quốc Khánh chia sẻ về mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn: “Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn gồm 1 giai đoạn ương dưỡng, 2 giai đoạn nuôi. Giai đoạn một: ương dưỡng khoảng 20 – 25 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn nuôi thương phẩm khoảng 40 ngày và giai đoạn cuối cùng là thả tôm ra ao lớn chờ thu hoạch. Các ao có diện tích 1.500 – 1.800 m2/ao, hình tròn hoặc vuông bằng khung sắt mạ kẽm để chống gỉ, lót bạt HDPE xung quanh. Người nuôi sử dụng công nghệ vi sinh, diệt khuẩn và tảo để làm sạch môi trường cho ao. Ứng dụng mô hình này giúp giảm được rủi ro về tác động của môi trường, nhiệt độ lên xuống trong ngày.”.
Điều đáng chú ý, mô hình cũng tiến hành sử dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn (RAS) – là một trong những công nghệ nuôi tôm hiện đại tại Việt Nam hiện nay. Nước sau khi được xả từ ao nuôi và ao lắng lọc rộng khoảng 35 m2 sẽ được xử lý và loại bỏ hoàn toàn phân, tạp chất rồi tiếp tục cung cấp lại cho ao nuôi qua các đường ống, trở thành 1 hệ thống tuần hoàn.
“Ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm nước, tỷ lệ tôm sống cao, đạt trên 85%, có thể nuôi nhiều vụ trong năm (2 – 3 vụ), năng suất cao gấp nhiều lần nuôi bình thường, chất lượng tôm nuôi được đảm bảo và quan trọng không gây ô nhiễm môi trường nhờ xử lý triệt để phân, tạp chất, vi khuẩn trong nước. Với diện tích 5.000 m2, sau gần 90 ngày thả nuôi với mật độ 150 con/m2, tôm phát triển đạt kích cỡ 38 – 40 con/kg, năng suất đạt hơn 10 tấn. Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi vụ, mô hình này thu lãi hơn 600 triệu đồng.” – Anh Khánh nói.
Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao 2, 3 giai đoạn là một trong những giải pháp được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Hà Tĩnh
Hiện nay, thành phố Hà Tĩnh là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh. Được biết, thời gian qua, địa phương này đã quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Bên cạnh các mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ cao 2, 3 giai đoạn, địa phương còn chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu và tạo sản phẩm an toàn như mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua, cá đối mục, mô hình nuôi trai lấy ngọc, mô hình nuôi lươn không bùn,… Đây là hướng đi tất yếu, phù hợp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, liên kết sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Nhân rộng những mô hình hiệu quả
Thực tế hiện nay, hầu hết các vùng nuôi trồng thủy sản tại Hà Tĩnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Theo các chuyên gia, nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản chứa một lượng lớn chất hữu cơ, bùn thải, các chất tồn dư như hóa chất, thuốc kháng sinh, vôi lắng đọng.
Ngoài ra, công tác đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại cơ sở còn hạn chế, nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các địa phương còn thiếu và yếu. Theo thống kê, tại Hà Tĩnh, mới chỉ có khoảng 30% vùng nuôi trồng được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, khiến cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm gần 30%, tương đương 630 ha, trong đó chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, còn phần lớn theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh và bán thâm canh.
Mô hình nuôi cá chim vây vàng theo tiêu chuẩn VietGAP vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa mở ra cơ hội phát triển mới trên những vùng nuôi tôm kém hiệu quả
Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo, người nuôi trồng cần chủ động áp dụng các công nghệ mới để vừa mang lại năng suất, sản lượng cao, vừa bảo đảm phát triển môi trường bền vững. Song song với đó, cần có tư duy và hành động nuôi trồng thủy sản hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái sẽ là “bức tường thành” vững chãi góp phần ứng phó BĐKH.
Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, không chỉ nâng cao thu nhập, mà còn góp phần thay đổi tư duy của người dân trong việc ứng dụng các khoa học kỹ thuật tạo sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, như: Nuôi cá chim vây vàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm, Nuôi cua biển 2 giai đoạn thích ứng biến đổi khí hậu, Nuôi lươn không bùn đảm bảo an toàn thực phẩm,…
Ông Trương Huy Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động sâu rộng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, việc chuyển đổi mô hình theo hướng thích ứng, an toàn và bền vững đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Trên cơ sở đó, những mô hình được Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai trong thời gian qua không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế, mà còn phải là một bước đi thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững lâu dài. Những năm tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này, đồng thời hướng đến phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, tích cực hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm để bà con nông dân yên tâm sản xuất. Qua đó, khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến sản xuất bền vững.
Nguyễn Hoàn