(TSVN) – Nhận thấy cua biển là một trong những món hải sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao nhưng đang khá khan hiếm, một số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình cua biển trong hộp nhựa, bước đầu cho hiệu quả cao, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản.
Được biết đến là một trong số những hộ nuôi cua trong hộp nhựa đầu tiên của tỉnh, gia đình anh Phạm Thanh Sơn, chị Phan Thị Lý (xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã công với mô hình.
Gia đình anh Sơn có nhiều năm nuôi cua quảng canh trong hồ nước lợ. Mặc dù mô hình này cho thu nhập khá, song nuôi cua trong hồ gặp nhiều rủi ro, dễ mắc bệnh nên anh Sơn quyết định tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn đầu tư chuyển sang một mô hình nuôi cua hộp nhựa.
Đầu năm 2023, gia đình anh Sơn xây dựng trại nuôi diện tích gần 600 m2 và đã đặt mua 6.000 hộp nhựa từ Cà Mau với số tiền gần 700 triệu đồng về để nuôi cua. Mỗi hộp nhựa hình chữ nhật có chiều dài 40 cm, rộng 22 cm và cao 30 cm, được chia thành 2 ngăn, mỗi ngăn một con. Hệ thống công nghệ cao nuôi cua trong nhà có ưu điểm là không cần nhiều nước bởi nhờ nguyên lý tuần hoàn của hệ thống sục khí tạo ôxy. Khi mua hộp nhựa về anh Sơn xếp hộp thành một tầng để kiểm soát cua dễ dàng hơn.
“Nhà” nuôi cua của anh Sơn chị Lý. Ảnh: Lê Minh
Cua giống do anh Sơn thu mua lại từ những người dân khai thác được tại các vùng nước lợ trên địa bàn tỉnh. Khi cua lớn đủ kích thước sẽ tách riêng vào từng hộp để chăm sóc. Việc tách riêng cua khi đã trưởng thành nhằm tránh cua ăn thịt nhau.
Đến nay gia đình anh Sơn thả nuôi 1.200 con cua giống, cua thịt với nhiều trọng lượng khác nhau. Thức ăn của cua chủ yếu là cá trích, ngao, vẹm, ốc… mỗi ngày chi phí thức ăn chỉ khoảng 40.000 – 50.000 đồng. Sau thời gian nuôi nhận thấy cua phát triển tốt, sinh trưởng nhanh.
Chị Phan Thị Lý kiểm tra cua nuôi trong hộp nhựa của gia đình. Ảnh: Bùi Ánh
Theo anh Sơn, so với nuôi cua trong ao thì mô hình nuôi trong hộp tốn nhiều thời gian cho ăn hơn vì phải thả thức ăn vào từng hộp, ngược lại việc nuôi cua trong hộp sẽ kiểm soát chặt hơn số lượng con, dễ chăm sóc. Cứ 15 ngày cua lại lột một lần, mỗi lần lột trọng lượng sẽ tăng 50 – 100 g. Sau khoảng 2 tháng nuôi trọng lượng cua sẽ đạt 300 – 400 g/con bắt đầu có thể thu hoạch. Anh Sơn cho biết nhiều nhà hàng trên địa bàn đã liên hệ với gia đình để đặt số lượng lớn. Dự kiến trung bình mỗi kg cua thịt có giá khoảng 600.000 đồng.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Mai Lâm (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và tận dụng lợi thế nhà ở sát cửa biển, anh Quang đã đầu tư gần 600 triệu đồng xây dựng nhà nuôi cua với hơn 1.000 hộp nhựa trên diện tích 200 m2.
Anh Quang chia sẻ: “Tôi đã cơ bản làm chủ được quy trình nuôi cua trong hộp nhựa. Hiện tại, mỗi tháng mô hình của tôi thu hoạch trên 100 kg cua lột và cua thịt, được thị trường ưa chuộng, khách hàng đánh giá cao, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Với mức giá dao động từ 600 – 800 nghìn đồng/kg, doanh thu bình quân mỗi tháng đạt khoảng 70 triệu đồng, trừ chi phí, khấu hao tài sản, lãi suất ngân hàng thì cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng”.
Tuy nhiên, vấn đề các hộ nuôi lo lắng hiện nay là nguồn cua giống đảm bảo chất lượng trên địa bàn còn thiếu, đắt vì không sản xuất được, chủ yếu do khai thác tại các vùng nước lợ. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho sản xuất cũng cần kinh phí lớn. Vì vậy để nhân rộng mô hình, các hộ cần phải tính toán thêm.
Mô hình nuôi cua biển được áp dụng theo hệ thống công nghệ cao nuôi cua trong nhà có ưu điểm là không cần nhiều nước bởi nhờ nguyên lý tuần hoàn của hệ thống sục khí tạo ôxy.
Theo Công ty CP Aqua Ras – một doanh nghiệp cung cấp hệ thống nuôi tuần hoàn cho biết: “Hệ thống công nghệ cao nuôi cua biển trong nhà có ưu điểm nổi bật là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo ôxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất bẩn thải ra đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV. Nhờ vậy, nguồn nước khi nuôi được tái sử dụng tới 99,5% và giúp cua nuôi tỷ lệ sống cao, năng suất tăng, không gây ô nhiễm môi trường”.
Sục khí tạo oxy ở hệ thống nuôi cua trong nhà. Ảnh: Lê Minh
Nuôi theo mô hình công nghệ mới, cua được nuôi trong hộp nhựa, không ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ít bị tác động bởi diễn biến thời tiết và môi trường xung quanh nên có thể nuôi quanh năm, dễ khai thác, có độ an toàn cao khi gặp mưa bão. Đặc biệt, nuôi theo phương thức này, anh Quang đã tận dụng tối đa diện tích nuôi, thời gian thu hoạch ngắn, có sản phẩm gối bán liên tục, đem đến năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, dễ dàng kiểm soát mầm bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
Với mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của một số hộ dân bước đầu cho hiệu quả đã góp phần mang đến cho người nuôi trồng thủy sản mặn lợ trong tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một hướng đi mới, một phương thức sản xuất hiện đại và an toàn để cải thiện sinh kế, thu nhập. Nhiều tháng nay, nhiều người nuôi trồng vùng lân cận đã đến tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các hộ ể có thể tận dụng tốt các tiềm năng nuôi loài thủy sản có giá trị này.
Chủ tịch UBND xã Mai Phụ Nguyễn Xuân Bắc cho biết: “Mô hình nuôi cua công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Quang là mô hình kinh tế cần được khuyến khích phát triển. Trong quá trình thực hiện, địa phương luôn động viên, đồng hành, hỗ trợ kịp thời về mặt bằng, hoàn thành các loại hồ sơ, thủ tục…
Ông Lê Anh Đức – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân, cho biết mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của gia đình anh Sơn được nhiều người nuôi thủy sản trên địa bàn quan tâm. Với mô hình khép khín sẽ kiểm soát được nguồn nước vào ra trong quá trình nuôi.
Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, khuyến khích chủ mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô nuôi gắn với bảo vệ môi trường và tạo điều kiện giúp đỡ các hộ khác làm theo. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất mặt nước mặn lợ, đa dạng hóa các hình thức nuôi trồng theo hướng hiện đại, giúp giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Vũ Mưa