Thời gian qua, nuôi cá mú trên vùng cát trắng tại Hà Tĩnh theo hướng xuất khẩu đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, để nhân rộng còn không ít khó khăn.
Tín hiệu vui
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh, năm 2015, Hà Tĩnh đầu tư hơn 118 tỷ đồng hỗ trợ 3 đơn vị áp dụng nuôi cá mú đen xuất khẩu ở vùng cát ở huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Dự án khởi động, cả 3 đơn vị thả nuôi cá đã trực tiếp ký kết với các đối tác nước ngoài chuyên về xuất khẩu thủy sản, trong đó Công ty Fineton (Hồng Kông) đảm bảo về nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Ông Lê Sỹ Hải, Giám đốc Công ty Sản xuất và Nuôi trồng Thủy sản Hoàng Dương cho biết: Dự án nuôi cá mú, cá bơn và tôm thương phẩm công nghệ cao ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân) được quy hoạch trên 7,9 ha tại vùng ven biển với kinh phí đầu tư gần 36 tỷ đồng. Trong năm 2015, Công ty nhận bàn giao 3 đợt cá giống nhập khẩu với số lượng trên 80.000 con cá mú để đưa vào nuôi thả.
Vào đầu năm 2016, tại Cảng Vũng Áng, Công ty Hoàng Dương phối hợp với Công ty Fineton tiến hành xuất khẩu hơn 9 tấn cá mú sang Hồng Kông qua đường biển. Để xuất được lô hàng trên, Công ty đã đóng hơn 20 lồng bè nuôi cá trên biển tại Cảng Vũng Áng chờ ngày tàu cập cảng. Thành công trong đảm bảo về kích cỡ, cân nặng (trọng lượng 1 – 1,2 kg/con), chất lượng và đặc biệt là nguồn cá vẫn còn tươi sống trong qua trình vận chuyển đã mang lại nguồn thu hơn 2,2 tỷ đồng cho đơn vị này. Đây là đợt 2 công ty phối hợp với đối tác xuất khẩu cá mú sang thị trường Hồng Kông sau khi triển khai dự án nuôi cá mú trên vùng cát ven biển Hà Tĩnh. Trước đó, Công ty Hoàng Dương cũng đã xuất khẩu hai lần với số lượng hơn 9 tấn cá mú sang Trung Quốc.
Nuôi cá mú cho hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: Huy Hùng
Công ty TNHH Như Nam (thị xã Hồng Lĩnh) triển khai nuôi cá mú, cá bơn trên diện tích 5,33 ha tại xóm Bắc Lạc (Thạch Lạc – Thạch Hà) vào đầu năm 2015 với tổng số vốn đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Vào cuối năm 2015, Công ty xuất bán mẻ cá đầu tiên trong tổng số 50 tấn cá mú cho đối tác trong nước, nếu quá trình vận chuyển thuận lợi, họ sẽ tiếp tục mua hàng với số lượng lớn. Đây là doanh nghiệp thứ 2 trong số 3 doanh nghiệp thực hiện dự án nuôi cá mú, cá bơn tại các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Còn nhiều gian nan
Ông Nguyễn Công Hoàng cho biết: Ngoài những tấn cá mú được xuất khẩu thì các đơn vị cung cấp cho thị trường cũng đạt hiệu quả cao. Hiện, tỉnh đã chủ động được quy trình kỹ thuật nuôi cá mú, Chi cục tổng kết, đánh giá mô hình để rút kinh nghiệm trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng theo ông Hoàng, khó khăn nhất vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Nếu nhân rộng mô hình và hướng tới xuất khẩu cần đầu ra ổn định vì hiện nay các đơn vị nuôi cá chỉ cung cấp số lượng vừa đủ cho các đối tác có nhu cầu nên hiệu quả kinh tế cao (do được giá). Song nếu phát triển quá nhanh, cung sẽ vượt cầu, sản phẩm khó đầu ra. Cùng đó, nguồn giống được nhập chủ yếu từ nước ngoài, không phải trong nước không thể chủ động mà giá thành sản xuất quá cao.
Theo ông Lê Đình Sơn, để mô hình mang lại hiệu quả về kinh tế, ngành chuyên môn và Công ty Fineton cần đánh giá khoa học để xác định thời điểm xuất bán cá, đồng thời tính toán hiệu quả kinh tế để rút kinh nghiệm cho vụ nuôi tiếp theo. Thời gian tới, yêu cầu các ngành, chủ đầu tư và Công ty TNHH Fineton cùng thống nhất với nhau về các gói dịch vụ để xử lý những tồn tại, vướng mắc; chủ động về chuyển giao quy trình công nghệ, con giống, riêng các chủ đầu tư cần tính toán nhằm giảm chí phí giá thành thấp nhất để mang lại hiệu quả cao về kinh tế. Từ vụ nuôi tiếp theo các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu đưa dự án nuôi cá bơn, cá mú sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc.
>> Ông Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Dự án nuôi cá mú, cá bơn trên cát công nghệ cao bước đầu có thể khẳng định việc nuôi cá mú trên nền đất cát khi tỷ lệ chết thấp, vật nuôi phát triển tốt. Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả khai thác những vùng cát trắng; đồng thời, ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. |