Những năm gần đây, các vùng nuôi trồng thủy sản mặn lợ tại Hà Tĩnh đã có sự biến động theo chiều hướng xấu, khó kiểm soát làm cho dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao, thuỷ sản nuôi chậm lớn, tỷ lệ sống thấp, chết sớm không rõ nguyên nhân, dẫn đến năng suất, sản lượng nuôi giảm.
Nuôi xen ghép tôm thẻ – cá đối mục vừa hạn chế dịch bệnh vừa tăng hiệu hiệu quả kinh tế
Chính vì vậy, hiện nay, một số chủ hồ nuôi đã có sự thay đổi trong cách đầu tư với mục tiêu vừa mang lại hiệu quả về kinh tế, vừa giảm nguy cơ suy thoái về môi trường và giảm khả năng phát sinh dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng – cá đối mục của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Xuân Quý (HTX) ở xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà là một điển hình.
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Xuân Quý có tổng diện tích hơn 33 ha, với 50 ao nuôi. Trước đây, HTX là một trong những tổ chức nuôi trồng thủy sản rất thành công, nhưng mấy năm gần đây do môi trường bị suy thoái, dịch bệnh xảy ra thường xuyên nên việc nuôi tôm đã không cho kết quả như mong muốn. Vì vậy, HTX đã tìm hướng đi mới nhằm cải thiện môi trường ao nuôi và đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đang trong lúc “loay hoay” tìm hướng đi mới thì đầu năm 2018, đúng lúc Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh muốn chọn địa điểm để nuôi thử nghiệm xen ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối mục trong ao đất, HTX Xuân Qúy đã mạnh dạn đồng ý làm thí điểm mô hình này.
Ngay sau khi được lựa chọn, HTX đã dành diện tích 2 ha với 4 ao nuôi để cải tạo ao đầm, đảm bảo đúng quy trình theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Chi cục Thủy sản. Vào tháng 5/2018, HTX tiến hành thả 1 vạn giống cá mục đối và 17 ngày sau thả tiếp 1 triệu con giống tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Văn Mại – Giám đốc HTX Xuân Quý chia sẻ: Đây là lần đầu tiên HTX nuôi tôm xen ghép với cá đối mục nên có những lo lắng, nhất là về quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cả 2 đối tượng trên cùng một diện tích ao nuôi. Tuy nhiên trong quá trình nuôi, cán bộ Chi cục Thủy sản thường xuyên theo dõi, hướng dẫn và xử lý những yếu tố bất thường nên tôm, cá sinh trưởng tốt.
“Nhờ HTX quản lý tốt về môi trường, phòng trị bệnh hiệu quả, lượng thức ăn đầy đủ nên tỷ lệ sống của tôm, cá đạt 70- 80%. Qua hơn 3 tháng nuôi chúng tôi tiến hành thu hoạch tôm đạt sản lượng 14 tấn, với kích cỡ từ 40 – 60 con/kg. Riêng cá, sau 7 tháng cho thu hoạch 2,9 tấn, bình quân 0,4 kg/con. tính ra, mỗi ha nuôi xen ghép hàng năm cho lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha”, ông Mại phấn khởi nói.
Theo Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh – Nguyễn Thị Hoài Thúy, mô hình nuôi xen ghép tôm thẻ chân trắng với cá đối mục trong ao đất là mô hình lợi cả đôi đường, hạn chế tối đa dịch bệnh trên tôm – cá nuôi, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích nuôi.
Đây là hình thức nuôi mới nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Mô hình cần được nhân rộng và khuyến khích người nuôi mạnh dạn chuyển đổi hình thức, đối tượng nuôi nhằm đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi, tận dụng tiềm năng diện tích ao nuôi sẵn có tại địa phương nhằm hạn chế dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích mặt nước.