Hải Hà (Quảng Ninh): Những khó khăn trong nuôi trồng thuỷ sản ở Hải Hà

Chưa có đánh giá về bài viết

Hải Hà (Quảng Ninh) có trên 3.600ha đất ven biển trong đê và đất bãi triều phù hợp với việc nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Nhờ đó, thời gian qua, nghề NTTS ở Hải Hà đã góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế của địa phương.

Song để NTTS thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như phát triển bền vững thì cần có những giải pháp thiết thực khắc phục những khó khăn.

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Đào Đức Liệu, thôn 1, xã Quảng Thắng.

Những năm qua, Hải Hà đã tập trung chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang NTTS. Toàn huyện đã chuyển đổi thành công trên 200 ha NTTS, trong đó, tập trung nuôi các giống thuỷ sản nước ngọt, nước mặn lợ như cá rô phi, cá rô đầu vuông, cua xanh… tại các xã Tiến Tới, Quảng Điền, Quảng Thịnh, Quảng Long và Đường Hoa. Bằng các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã đầu tư hạ tầng điện, đường… một số vùng nuôi các xã Quảng Thắng, Phú Hải… Để phát huy thế mạnh về NTTS, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện cũng đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch. Theo đó, huyện đã xây dựng quy hoạch vùng NTTS tập trung thôn 2, thôn 3, xã Quảng Thắng với diện tích 15,8ha; quy hoạch chi tiết vùng NTTS thôn 9, xã Quảng Phong; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung huyện đến năm 2020… Bên cạnh đó, huyện cũng chủ động xây dựng lịch thời vụ NTTS; cải tạo ao đầm đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; kiểm soát con giống, thức ăn. Đặc biệt, nhằm chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, huyện đã hỗ trợ kỹ thuật, giống, thức ăn… nhằm khuyến khích các hộ dân đưa các giống vật nuôi mới vào nuôi trồng như cá song, ốc hương, tôm hùm…

Một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao là mô hình nuôi cá song của gia đình ông Cao Văn Chua, đảo Vạn Mực, xã Cái Chiên. Ban đầu, gia đình ông chủ yếu là khai thác thuỷ sản ven bờ, nhưng do thiếu nhân lực, chưa có kinh nghiệm nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy khu vực này có tiềm năng NTTS, giữa năm 2015, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư 10 ô lồng chìm và bè nổi nuôi 2.000 con cá song giống. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường nước và được chăm sóc tốt nên cá phát triển tốt, trọng lượng từ 2-3kg, giá bán trên thị trường từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, thu lãi gần 500 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, gia đình ông đã mở rộng lên tới 40 ô lồng với hơn 8.000 con cá giống. Hiện xã Cái Chiên cũng đã quy hoạch vùng NTTS tại khu vực đảo Vạn Mực, Vạn Nước, Bò Vàng; khuyến khích người dân đưa các giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng; tăng cường chuyển giao khoa học… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế biển đảo, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Tuy nhiên, nghề NTTS ở Hải Hà hiện vẫn không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn cung cấp con giống không ổn định bởi trên địa bàn huyện chưa có cơ sở sản xuất giống thuỷ sản. Giống chủ yếu được nhập về từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh trong khi việc quản lý giống cũng còn nhiều hạn chế. Cùng với khó khăn về nguồn giống thì việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc nuôi trồng cũng còn hạn chế, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới bởi người dân chủ yếu vẫn nuôi trồng theo kinh nghiệm. Việc phát triển nuôi trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên diện rộng. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu để nâng cao giá trị sản phẩm chưa được quan tâm. Thời gian qua, Hải Hà đã nỗ lực thu hút đầu tư, song đến nay toàn huyện vẫn chưa có doanh nghiệp thuỷ sản nào. Hệ quả đã thấy đó là việc ngao nuôi chết hàng loạt tại các vùng Quảng Minh, Quảng Điền và Phú Hải từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 với diện tích 242 ha, mức độ thiệt hại từ 20 – 30%, cá biệt có hộ đến trên 50%, tổng thiệt hại khoảng 2.000 tấn. Theo đó, năm 2015, huyện đã thả nuôi 416 ha diện tích ngao, nghêu tại các xã Quảng Minh (176 ha), xã Quảng Điền (40 ha), xã Phú Hải (200 ha), trong đó duy chỉ có vùng nuôi xã Quảng Minh nằm trong quy hoạch nuôi nhuyễn thể. Giống ngao được các hộ nuôi nhập từ Nam Định, Thái Bình và Trung Quốc, hoặc mua gom tại chỗ, hầu hết không có hoá đơn chứng từ mua bán, không kiểm dịch trước khi thả nuôi. Nguyên nhân gây chết ngao là do mật độ thả nuôi quá dày, trên 500 con/m2, gấp hơn 5 lần so với khuyến cáo kỹ thuật. Bên cạnh đó, loạt ngao chết vừa qua đều đã đạt cỡ thương phẩm nhưng thị trường tiêu thụ khó khăn do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên chưa thu hoạch đã ảnh hưởng đến sức sống của ngao.

Ông Đào Đức Liệu, thôn 1, xã Quảng Thắng, một trong những hộ NTTS trăn trở: Với trên 5.000 m2 ao đầm, vụ xuân hè, gia đình đã thả trên 25 vạn giống tôm thẻ chân trắng cho thu hoạch trên 5,5 tấn tôm. Trừ các chi phí, gia đình cũng thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng. Việc NTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao song rủi ro rất lớn, gia đình đã từng mất trắng. Bởi gia đình tôi cũng như các gia đình khác trong thôn chủ yếu nuôi trồng theo kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm, giống lấy từ nhiều nguồn khác nhau, việc xử lý ao đầm, nước thải chưa được chú trọng… Chúng tôi cũng rất mong các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện đầu tư đồng bộ để việc NTTS phát triển thực sự bền vững, có như vậy mới nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

Cao Quỳnh

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!