Tại hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản” được tổ chức mới đây, Tổng cục Thủy sản cho biết, sẽ sớm thực hiện việc hài hòa, công nhận tiêu chuẩn giữa VietGAP với các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BAP và tham gia chương trình GSSI.
Dự kiến cuối năm nay, tiêu chuẩn VietGAP sẽ tham gia chương trình tổ chức sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu (GSSI), một mốc quan trọng để ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam được quốc tế công nhận. Đây là việc cần làm nhằm giảm thiểu chi phí chứng nhận cho cơ sở nuôi thủy sản. Ngoài ra, việc đạt nhiều tiêu chuẩn khác nhau cũng khẳng định vai trò, vị thế của VietGAP về sản xuất thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.
Nuôi tôm VietGAP – Ảnh: Vũ Mưa
Với mặt hàng cá tra, theo ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, do chưa hài hòa tiêu chuẩn quốc tế nên cá tra Việt Nam đang chịu sự ràng buộc của 9 bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản bền vững quốc tế do các tổ chức phi chính phủ đặt ra, mặc dù sản phẩm đều theo tiêu chuẩn của FAO về bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe động vật và an sinh xã hội.Do đó, người nuôi cá tra gặp khó khăn trong việc định hướng áp dụng những tiêu chuẩn có hiệu quả.
Được biết, từ năm 2013 đến cuối tháng 10/2015, cả nước có 75 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP trên tổng diện tích hơn 686 ha. Trong đó,có 42 cơ sở nuôi cá tra, diện tích 361 ha; 23 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng, diện tích 233 ha; còn lại là các cơ sở nuôi tôm sú, cá rô phi, tôm càng xanh…