Hải sâm cát: Nhân sâm… từ biển cả

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Hải sâm cát (Holothuria scabra), thuộc họ hải sâm, là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, đặc biệt được ứng dụng rộng rãi trong y học.

Quý như… sâm

Hải sâm có thân hình trụ dài với lớp da dẻo, tròn bóng và có thể có gai sần sùi (còn có tên gọi khác là “dưa biển”), có loài thân trong suốt giống như giun. Cơ thể hải sâm dài từ 2,5-30cm, trong số hàng trăm loài hải sâm thì chỉ có khoảng hơn chục loài là có thể ăn và làm thuốc được.

Các chất được chiết xuất từ hải sâm, hiện đang được nghiên cứu để chế tạo các dược phẩm trị hen suyễn, thấp khớp, chất điều trị ung thư… Đặc biệt, các món ăn từ hải sâm có giá trị dinh dưỡng rất lớn, đặc biệt trong việc trị các chứng bệnh về sinh lý.

 

Giống hải sâm nuôi bằng phương pháp sinh sản nhân tạo

 

Hiện nay trên thị trường, hải sâm tươi có giá khoảng 1,6 triệu đồng/kg. Vì giá trị kinh tế cao và tập tính sống theo đàn nên nguồn hải sâm hiện nay đang có nguy cơ cạn kiệt, đặc biệt là loài hải sâm vú nàng (H.nobilis).

 

Tiềm năng lớn

Có thể nói, nghề nuôi hải sâm cát là nghề mới ở nước ta mặc dù hiện nay từ khâu sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát đã được thực hiện thành công và mang lại hiệu quả kinh tế.

Thời gian nuôi hải sâm cát từ 8-10 tháng là có thể thu hoạch với kích cỡ khoảng 3 con/kg. Một người nuôi hải sâm cát cho biết, khi còn nuôi tôm mỗi năm anh chỉ lãi vài triệu đồng, đôi khi lỗ nặng. Khi chuyển sang nuôi hải sâm, anh có lãi từ 200-300 triệu đồng mỗi năm. Nhiều địa phương như Ninh Thuận, Phú Yên triển khai nuôi hải sâm cát đạt năng suất 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống tới 80%.

Ưu điểm lớn nhất của hải sâm cát là có thể nuôi ghép, luân canh được với nhiều đối tượng cũng có giá trị kinh tế cao như ốc hương, nuôi 2-3 vụ tôm nuôi một vụ hải sâm để cải tạo môi trường… Khi nuôi ghép, luân canh hải sâm cát sẽ ăn mùn bã hữu cơ, chất thải của tôm, ốc hương thải ra, từ đó làm sạch môi trường nước, giảm ô nhiễm môi trường, giúp tôm, ốc hương phát triển nhanh, giảm nguy cơ dịch bệnh, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III là đơn vị đầu tiên và duy nhất sản xuất thành công nhân tạo giống hải sâm cát, cung cấp thêm đối tượng nuôi mới không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn giống thủy sản đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

>> Người nuôi cần mua giống hải sâm cát và tìm hiểu quy trình nuôi, có thể liên hệ với anh Nguyễn Đình Quang Duy (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III). Điện thoại: 0905 175 132.

Tuấn Tú

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!