Sau khuyến cáo của Bộ Y tế về 154 loại hải sản không nên ăn tại 4 tỉnh miền Trung, sức mua mặt hàng này ở các chợ TP HCM giảm gần một nửa.
Chị Đào (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, vì trong nhà có trẻ nhỏ nên hằng tuần, chị đều xây dựng thực đơn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, trong đó thường có cá biển. Tuy nhiên sau khi có khuyến cáo không nên sử dụng một số hải sản miền Trung, chị chuyển hướng ăn các loại tôm cá sống ở vùng nước ngọt, nước lợ thay thế cho tất cả hải sản.
“Tôi không biết chính xác nguồn gốc hải sản ngoài chợ có phải từ miền Trung mang vào hay không, thế nên tạm thời không ăn vẫn là an toàn nhất”, chị Đào nói. Cùng chung tâm lý này, nhiều bà nội trợ cho biết đã hạn chế sử dụng cá biển kể từ khi rộ lên thông tin sự cố môi trường ở biển miền Trung.
Tình trạng buôn bán hải sản ở các chợ TP HCM ngày càng ế ẩm – Ảnh: Phương Đông.
Khảo sát tại một số chợ lớn ở TP HCM, khu vực kinh doanh cá biển rất thưa khách, cả số lượng và mặt hàng cũng kém đa dạng. Dù được tiểu thương chào mời là hàng nhập từ miền Tây và Bình Thuận, bảo đảm chất lượng tươi ngon, nhưng phần lớn các bà nội trợ đều không mặn mà. Trong khi đó, những loại thủy sản nước lợ và nước ngọt như lươn, ếch, cua đồng, cá điêu hồng, rô phi… đang bán rất chạy và được đẩy giá nhích lên vài nghìn đồng một kg.
Dù chưa nắm được thông tin về khuyến cáo mới của Bộ Y tế, nhưng chị Minh, chủ sạp cá nước ngọt tại chợ An Nhơn (Gò Vấp) cho biết, những ngày gần đây sức mua mặt hàng này tăng rất mạnh. Điển hình là cá điêu hồng, mỗi ngày tiêu thụ xấp xỉ khoảng 100 kg với giá khoảng 60.000 đồng một kg cho cá tươi sống và 45.000 – 50.000 đồng một kg đối với cá bị ngộp nước.
Ở chiều ngược lại, một tiểu thương kinh doanh hải sản tại chợ Bà Chiểu chia sẻ đã bán mặt hàng này gần 10 năm, nhưng chuyện ế ẩm thường xuyên mới xảy ra khoảng vài tháng trở lại đây. Trước đây, những loại cá bạc má, cá thu, cá ngừ… bán khoảng 60 – 70 kg mỗi ngày là bình thường, nay giảm hơn phân nửa.
“Trước giờ, tôi đều nhập cá biển từ thương lái ở miền Tây vì quãng đường vận chuyển gần, giá cả hợp lý mà không lo ngại nhiễm độc như hải sản miền Trung. Vậy mà từ sau vụ Formosa thì nguồn gốc hải sản bị đánh đồng khiến tình hình buôn bán khó khăn lắm”, chị này nói.
Tại siêu thị sức mua cũng không mấy khả quan – Ảnh: Phương Đông.
Ghi nhận tại một số siêu thị thuộc hệ thống Big C, Co.opmart, các loại hải sản tươi sống và đông lạnh đều được niêm yết rõ nguồn gốc khai thác từ những ngư trường trọng điểm ở phía nam như: Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa – Vũng Tàu… Một số loại hải sản như cá đối (67.000 đồng một kg), bạc má (70.000 đồng một kg) dù giá tương đương nhiều loại cá nước ngọt, nhưng không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
“Thông tin xuất xứ, cơ sở chế biến và giá cả như thế nào đều được thể hiện rõ ràng trên bao bì, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn chưa an tâm, có khi phải hỏi thêm nhân viên đứng quầy”, quản lý ngành hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt (quận 10) cho biết. Cũng theo nhân viên này, trong vài ngày trở lại đây, sức mua mặt hàng cá nước ngọt và hải sản sơ chế sẵn đang có chiều hướng tăng.
Anh Nguyễn Hữu Định, chủ vựa hải sản Thành Hưng (quận Tân Bình) cho biết, việc đánh đồng xuất xứ ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Trong lúc người dân tẩy chay hải sản thì anh đã chủ động tìm hướng đi mới, đưa hàng ra tiêu thụ ngay tại các tỉnh ven biển miền Trung. Hiện, vựa này chuyển hàng đi phân phối tại Thanh Hóa và Nghệ An hơn nửa tấn hải sản các loại mỗi ngày.
“Người tiêu dùng có thể yên tâm ăn hải sản bởi hầu hết những mặt hàng tiêu thụ tại thị trường TP HCM đều không nhập từ các tỉnh miền Trung do chi phí bảo quản, vận chuyển rất cao mà chất lượng cũng không đặc sắc”, anh Định nói thêm.
Về phía các doanh nghiệp tại khu vực 4 tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng của sự cố môi trường, ông Nguyễn Thanh Ngọc, chủ doanh nghiệp đánh bắt thủy sản Ngọc Phương (Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết, khuyến cáo mới khiến việc khai thác của ngư dân tại đây càng thêm khó khăn.
“Bây giờ mọi thứ thay đổi. Cửa hàng hải sản cho khách du lịch của tôi phải đóng cửa do lượng khách giảm 95%, tàu phải nâng công suất để hoạt động xa bờ nhằm tránh hải sản nhiễm độc nhưng khi bán ra người dân vẫn không dám mua, thương lái ép giá, điển hình như cá nục loại 18-19 con một kg chỉ bán được 15.000 đồng, trong khi chỉ vài tháng trước lên đến hơn 30.000 đồng”, ông Ngọc nói.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Hải sản đã công bố danh sách 154 loại hải sản sống ở tầng đáy như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc… trong vòng 20 hải lý khu vực 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng những loại hải sản này vì vẫn chưa an toàn.
Riêng những loại hải sản sống ở tầng nổi và đầm nuôi của 4 tỉnh này đã đảm bảo an toàn, cụ thể như các loại cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm.