Hạn và mặn yêu cầu điều chỉnh quy hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL đang diễn ra khốc liệt nhất trong trăm năm qua, mà theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thì còn kéo dài đến đầu tháng 6. Nhiều vùng nuôi tôm chưa thả giống, nhiều vùng ngọt hóa bị nước mặn bao vây nên vấn đề điều chỉnh quy hoạch đã được đặt ra.

Không dám thả giống

Xã Phước Vĩnh Tây có 600 ha nuôi tôm, lớn nhất huyện Cần Giuộc (Long An), theo lịch thả giống giữa tháng 2 nhưng đến nay hầu hết còn ao trống. Ông cán bộ phụ trách khuyến nông xã Lê Trọng Nhân cho biết: “Nước có độ mặn dữ quá, hơn 20 g/lít, cả xã mới thả được mấy chục ha nhưng tôm không lớn nổi”. Sang xã Phước Lại cùng huyện, ông cán bộ thú y Nguyễn Quốc Bảo cũng cho biết: “Chỉ thả giống mấy ao khoảng vài ha nhưng đều bị bệnh, diện tích còn lại bỏ trống cả. Nước mặn xâm nhập đầu nguồn sông Soài Rạp vào Kênh Hàng, sau đó đổ xuống vùng tôm nên người dân sợ quá”. Ông Bảo giải thích rành rẽ, ao tôm nhiễm mặn cao thì các con ốc, hàu phát triển làm giảm mật độ tảo, lượng khoáng dinh dưỡng trong nước khiến tôm chậm lớn, dễ bị bệnh, nhất là bệnh gan tụy.

Ở tỉnh Cà Mau, lịch thả giống tôm từ đầu tháng 1 nhưng đến nay còn nhiều diện tích bỏ trống. Ông Nguyễn Văn Lam ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước gần 10 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, mà năm nay: “Thấy nhiệt độ và độ mặn rất cao, chúng tôi không dám mạo hiểm. Nuôi tôm mất một vụ thì ba năm không ngóc đầu lên được”. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của Cà Mau gần 10.000 ha, đến nay mới thả nuôi khoảng 30%, đạt rất thấp so với kế hoạch.

Tỉnh Bạc Liêu diện tích nuôi công nghiệp đã thả giống còn thấp hơn, mới gần 15% trong tổng số 19.000 ha. Khu vực nuôi tôm công nghiệp lớn nhất của Bạc Liêu tập trung ở các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A của huyện Hòa Bình cũng chỉ thấy lác đác có ao chạy quạt nước. Ông Lý Thanh Dân nuôi tôm ở xã Vĩnh Thịnh cho biết: “Hiện, giá tôm thẻ chân trắng cao gấp chừng 1,5 lần năm rồi, chúng tôi nóng ruột lắm nhưng khuyến nông khuyến cáo mùa hạn còn rất khốc liệt nên không dám liều”.

hạn mặn bắt điều chỉnh quy hoạch

Nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn, mặn – Ảnh: Trần Út

Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bạc Liêu, ông Phạm Hoàng Sơn, cho biết: “Chúng tôi đã khuyến cáo, trừ những hộ trữ được nước có độ mặn thấp thì có thể pha loãng để nuôi tôm, còn lại nên đợi đến đầu mùa mưa, khi độ mặn giảm bớt mới thả giống”.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2015cũng hạn hán nên nuôi tôm đã chậm thời vụ nhưng năm nay còn chậm hơn, hiện mới bằng 86,6% so cùng kỳ, trong đó, tôm thẻ chân trắng mới bằng 72%. Hiện nước ở nhiều vùng nuôi tôm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang độ mặn cao hơn 30 g/lít nên chưa thể thả giống tôm.

Cũng vì hạn mặn, tôm chậm thời vụ nên từ đầu tháng 3 đến nay, 17 nhà máy chế biến tôm ở Cà Mau thiếu nguyên liệu. Giám đốc nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở thành phố Cà Mau, ông Nguyễn Quốc Việt, cho biết đang phải mua tôm nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là hạn và mặn quá cao đã làm hơn 3.000 ha nuôi tôm ở Cà Mau mất trắng, trong lúc nuôi tôm công nghiệp mới thả diện tích ít.

 

Điều chỉnh quy hoạch

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, TN&MT, UBND các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau “ngăn chặn tình trạng đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm”. Với những hộ dân đã tự ý đưa nước mặn vào nuôi tôm “xử lý dứt điểm”, đồng thời Chủ tịch Hải cũng yêu cầu rà soát lại quy hoạch để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp và xây dựng các công trình đảm bảo. Vừa qua, nhiều nông hộ ở vùng quy hoạch ngọt hóa đã phá đập, đưa nước mặn vào nuôi tôm làm ảnh hưởng tới các hộ trồng lúa. Tranh chấp gay gắt ở xã An Xuyên (thành phố Cà Mau), có chục hộ phá đập ngăn mặn, hơn 60 hộ khác ngăn không được, phải làm đơn yêu cầu chính quyền can thiệp.

Rừng tràm U Minh Hạ nằm trong vùng ngọt hóa thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình (Cà Mau), bị nước mặn bao vây và nhiều người dân cũng đã đem nước mặn vào nuôi tôm. Ông Năm Đảm là bộ đội xuất ngũ, quê ở xã Khánh Bình Đông (Trần Văn Thời) nhận khoán 5 ha đất rừng, quy hoạch 30% trồng lúa, 70% trồng rừng. Ông đã lén đưa nước mặn vào nuôi tôm và tâm sự: “Đây là vùng đất trũng, cây tràm không lớn được, lén bơm nước mặn vào nuôi tôm để kiếm sống chớ bị cán bộ xã hăm lấy máy hoài”.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, ông Nguyễn Hoàng Lâm, cho biết: “Bà con sống trong vùng ngọt hóa nôn nóng chuyển đổi sang luân canh tôm – lúa. Thực ra, bà con đã tự chuyển đổi từ ngọt sang lợ nhỏ lẻ, da beo. Nếu được thay đổi quy hoạch theo hướng tôm – lúa sẽ có sự đồng thuận cao, không phải vận động, xử phạt bà con ham làm giàu”.

Sở NN&PTNT Cà Mau đang kiến nghị chuyển đổi 34.713 ha đất lúa và mía tại huyện Thới Bình, 8.798 ha đất lúa tại huyện U Minh, 18.800 ha đất lúa tại thành phố Cà Mau sang sản xuất tôm – lúa. Giám đốc Lê Văn Sử nói thêm: “Chúng tôi đã kiến nghị điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 – 2020 mang tính khoa học, khả thi, phù hợp với lợi thế và tình hình thực tế của từng địa phương”.

Ở Kiên Giang, huyện An Biên có 12.200 ha sản xuất 2 vụ lúa cũng đang được linh hoạt khuyến cáo nông dân tùy tình hình mà có thể chuyển sang tôm – lúa để thích ứng với hạn mặn. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngô Trấn Hỷ cho biết: “Chúng tôi theo dõi sát thời tiết để tùy tình hình mà khuyến cáo nông dân không sạ hoặc chuyển sang tôm – lúa, trong lúc đã cho thí điểm tôm – lúa ở một số khu vực ven sông Cái Lớn”.

Vùng tôm – lúa cũng cần điều chỉnh. Tỉnh Kiên Giang có diện tích tôm – lúa lớn nhất ĐBSCL với 77.264 ha, tập trung ở các huyện An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương. Hạn và xâm nhập mặn khốc liệt, nuôi tôm cũng như sạ lúa đều khó khăn. Phó phòng NN&PTNT huyện An Minh, bà Trương Thị Anh Đào, cho biết huyện có 27.000 ha tôm- lúa phát triển chục năm qua nhưng nay, các xã ven biển không trồng lúa được nữa. Người dân ở huyện An Minh đang giảm diện tích tôm – lúa, tăng diện tích chuyên canh thủy sản. “Sắp tới huyện sẽ lấy ý kiến nông dân để họ tự quyết định nên hay không chuyển 6.000 ha tôm – lúa sang chuyên canh thủy sản”, bà Đào nói.

GS Võ Tòng Xuân>> GS Võ Tòng Xuân:Tình trạng xâm nhập mặn không thể tránh được vì đây là thiên tai và nếu đặt câu hỏi năm tới có nữa không thì chưa chắc có câu trả lời. Nhưng người dân mỗi năm chỉ cần trồng 1 vụ lúa và nuôi 1 vụ tôm là thắng lợi. Năm tới, tôi đề nghị người dân không nên trồng lúa vào mùa khô mà nên mở rộng mô hình nuôi tôm sẽ thu lợi hơn nhiều.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
LIÊN HỆ

    Back to top
    error: Content is protected !!