T2, 06/07/2020 01:35

Hàng ngàn người dân nô nức tham gia lễ hội đánh cá “độc nhất” ở Hà Tĩnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Trải qua thời gian, chính quyền địa phương và người dân ở xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn luôn có ý thức giữ gìn, duy trì, bảo tồn những nét đẹp căn bản của lễ hội đánh cá Đồng Hoa và thường chọn tổ chức vào ngày Chủ nhật, khi công việc mùa màng đã thu hoạch xong nhằm để con em xa quê được về tham gia đông đủ.

Sáng ngày 28-4, hàng ngàn người dân ở xã Xuân Viên cùng các xã lân cận huyện Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh… (tỉnh Hà Tĩnh) và ở tỉnh Nghệ An đã nô nức mang theo các loại dụng cụ như: nơm, vó, lưới, nhủi, vợt, rớ… đổ xô kéo về khu vực đầm Vực Rào (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) cùng tham gia lễ hội đánh cá Đồng Hoa (hay còn gọi là lễ hội đánh cá Vực Rào).

Năm nay, điều kiện thời tiết mát dịu, không có nắng to như mọi năm, nên từ sáng sớm hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã nô nức đổ xô về đầm Vực Rào rất đông. Trời càng về trưa, mặc dù mọi người đều thấm mệt nhưng không khí của ngày hội càng hào hứng và nhộn nhịp hơn.

Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân đã đổ xô về đầm Vực Rào để “săn” cá

Lễ hội đánh cá Đồng Hoa là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người dân ở xã Xuân Viên và nhiều xã lân cận ở huyện Nghi Xuân.

Lễ hội này được tổ chức đều đặn hàng năm, mang tư tưởng khuyến nông, khuyến ngư, phát triển nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, lễ hội cũng thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư làng xã.

Đầm Vực Rào được chọn để tổ chức lễ hội nằm dưới chân dãy núi Hồng Lĩnh, có chiều dài khoảng 2km với diện tích khoảng 30ha. Nơi đây là khu vực tập trung nhiều loài cá nước ngọt. Trước ngày tổ chức lễ hội đánh cá Đồng Hoa, mọi hoạt động đánh bắt cá tại đây đều bị nghiêm cấm triệt để nhằm tạo điều kiện cho cá sinh sống, phát triển.

Một phụ nữ phấn khởi khi bắt được con cá to

Vào ngày diễn ra lễ hội, người đứng đầu làng và các bậc cao niên trong làng cho lập bàn thờ, hương đăng hoa quả cúng tế Thành Hoàng bản thổ tại ngôi miếu cạnh đầm Vực Rào. Sau khi xong phần lễ, một hồi chiêng trống vang lên, đích thân người đứng đầu làng hú to một tiếng rồi cầm nơm lội xuống đầm úp cá đầu tiên.

Ngay sau đó, mọi người gồm cả nam, nữ, già, trẻ… cứ thế cầm nơm, vó, lưới quét, lưới giăng, nhủi, vợt, rớ… ào ào lội xuống đầm Vực Rào để thi nhau bắt cá.

Nếu ai bắt được con cá to thì vừa giơ cá lên cao, vừa hét lớn để mọi người ở trên bờ và dưới nước cùng hò hét theo để tán thưởng một cách hào hứng, nhiệt tình. Theo quan niệm, tại lễ hội, nếu người nào bắt được con cá to hoặc nhiều cá sẽ gặp nhiều điều may mắn, mùa màng bội thu, gia đình no ấm trong suốt năm ấy.

Sau một ngày diễn ra lễ hội, người nào bắt được con cá to nhất sẽ được ban tổ chức của làng ban thưởng và con cá ấy sẽ được dùng để làm đồ cúng tế dâng lên Thành hoàng làng.

Người dân thi nhau bắt cá

Trải qua thời gian, chính quyền địa phương và người dân nơi đây vẫn luôn có ý thức giữ gìn, duy trì, bảo tồn những nét đẹp căn bản của lễ hội đánh cá Đồng Hoa và thường chọn tổ chức vào ngày Chủ nhật, khi công việc mùa màng đã thu hoạch xong nhằm để con em xa quê được về tham gia đông đủ.

Một số hình ảnh ghi nhận tại lễ hội đánh cá Đồng Hoa:


Người dân mang các dụng cụ đi “săn” cá


Một người dân lớn tuổi phấn khởi khi tham gia lễ hội


Người dân tham gia lễ hội đánh cá


Người trên bờ cổ vũ cuồng nhiệt cho người đi “săn” cá dưới Vực Rào

Dương Quang

Theo SGGP

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!