Một trong những thế mạnh góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, trong đó có lĩnh vực thủy sản đó chính là du lịch biển đảo. Đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp bảo vệ an ninh quốc phòng, củng cố và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước cùng các vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế trên biển.
Lặn biển là một trong những hình thức du lịch độc đáo ở Nha Trang Ảnh: Đức Lợi
Thế mạnh biển đảo
Với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km cùng vùng nội thủy và lãnh hải rộng 226.000 km2, vùng đặc quyền kinh tế hơn 1 triệu km2, Việt Nam là một quốc gia biển đặc thù. Dọc theo bờ biển từ Bắc vào Nam, chúng ta có khoảng 125 bãi biển lớn nhỏ khác nhau có thể khai thác để phát triển du lịch biển. Chưa kể hai quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa, hệ thống đảo ven bờ lên tới 2.773 đảo với diện tích, dân số cùng với các nguồn tài nguyên sinh thái – nhân văn đa dạng có thể đưa vào khai thác để phát triển du lịch. Với các vị trí địa lý khác nhau, hệ sinh thái biển đặc thù, du lịch biển đảo thực sự là một thế mạnh của du lịch Việt Nam cần được tổ chức khai thác tốt đem lại giá trị nhiều mặt cho người dân và đất nước.
Việt Nam có 125 bãi biển, nhiều vịnh, hàng nghìn hòn đảo và biển không chỉ đẹp bởi cảnh thiên nhiên mà còn rất giàu những giá trị văn hóa với việc có 7/13 di sản thế giới ở Việt Nam nằm ở vùng ven biển. Du lịch biển là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn nhất của con người. Đây cũng là lĩnh vực có tỷ trọng thu nhập kinh tế nhanh chóng và cao hơn rất nhiều loại hình du lịch nằm sâu trong nội địa bởi tính chất tập trung cao độ cả về thời gian và không gian cho du lịch biển Việt Nam.
Du lịch biển đã mang lại cơ hội xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, vùng ven biển Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên. Du lịch biển phát triển cũng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương vùng ven biển, làm đổi thay bộ mặt nhiều địa phương. Ước tính có khoảng 60.000 lao động gián tiếp là cư dân địa phương ở những vùng ven biển có phát triển du lịch. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm các nước có du lịch biển phát triển nhất Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
Hấp dẫn khách du lịch
Nguồn khách của du lịch biển Việt Nam bao gồm khách nội địa và quốc tế. Du lịch biển Việt Nam cũng thực sự phát triển với các loại hình du lịch tham quan vịnh đảo, nghỉ dưỡng ở trên địa bàn các tỉnh duyên hải phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng với các địa điểm nổi tiếng như vịnh Hạ Long, các quần đảo Cô Tô, Cát Bà. Bên cạnh nguồn khách quốc tế đến từ châu Âu – Mỹ, nguồn khách quốc tế đến từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong khu vực cũng thường đến Việt Nam du lịch, tham gia các chương trình du lịch biển vào mùa hè. Cùng đó, khách nội địa là một trong những nguồn khách đặc biệt quan trọng của du lịch biển Việt Nam chủ yếu tham gia vào các tháng mùa hè từ tháng 5 đến hết tháng 7.
Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 6.206.336 lượt, tăng 30,2%. Tăng mạnh nhất là du khách Trung Quốc (tăng 56,7%), Nga (53,4%), Hàn Quốc (43,9%), Campuchia (35,5%), Hồng Kông (29,9%), Tây Ban Nha (28,6%), Philippines (24,3%), Đài Loan (22,9%), Lào (22,4%), New Zealand (19%), Australia (10%), châu Phi (27%)… so cùng kỳ năm 2016. Tổng thu từ du lịch ước 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh những lợi thế cho sự phát triển, thì theo những nghiên cứu của các công ty lữ hành quốc tế, bất cập của du lịch Việt Nam đó là hạ tầng giao thông còn chưa phát triển; hệ thống các hải cảng du lịch, các phương tiện vận chuyển du khách đường biển còn rất hạn chế. Hệ thống cảng biển Việt Nam bao gồm trên 100 cảng biển lớn nhỏ, tốc độ tăng trưởng bình quân là 17%/năm, song phục phụ cho du lịch chưa nhiều.
Một thực tế nữa đó chính là việc phát triển hài hòa giữa du lịch biển đảo và thủy sản hay tác động của du lịch đến đa dạng sinh học… Theo ThS Hoàng Đình Chiều (Viện Nghiên cứu hải sản), Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến đa dạng sinh học biển do có những hoạt động khai thác phá vỡ các sinh cảnh biển trong đó có việc phát triển du lịch đã và đang làm mất hay phá vỡ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các sinh cảnh tự nhiên; vấn đề này không chỉ của Việt Nam mà còn với nhiều nước trên thế giới.
Phát triển hài hòa
Các tỉnh miền Trung có di sản văn hóa, bãi biển đẹp như Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, ngoài những biện pháp để phát triển du lịch địa phương, cần phải tăng cường hơn nữa trong liên kết du lịch vùng miền; cùng nhau xây dựng những chương trình, tổ chức các sự kiện, trao đổi học tập kinh nghiệm; giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc của các cộng đồng dân cư; cải cách thủ tục hành chính tại cửa khẩu.
Đa dạng sản phẩm du lịch để phát huy thế mạnh từng địa phương cũng như thu hút khách tham quan cũng là giải pháp được nhiều tỉnh quan tâm. Như tại Thừa Thiên – Huế, từ đầu tháng 5/2017, Sở Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Quảng Điền và các doanh nghiệp lữ hành tổ chức giới thiệu một số tour tuyến du lịch về đầm phá Tam Giang, như “Hoàng hôn phá Tam Giang – khám phá đầm phá lớn nhất Đông Nam Á”, “Từ đồng rau xanh đến ánh vàng đầm phá”, “Đạp xe về phá Tam Giang”…
Hay tại Quảng Nam, mô hình “Làng bích họa” bằng những hình vẽ trên các bức tường nhà người dân, thể hiện được nét sinh hoạt hằng ngày và những sự vật rất gần gũi, đã thu hút đông đảo du khách về với Tam Thanh cũng là điểm đến, thu hút được khách du lịch. Cùng đó, “Con đường nghệ thuật thuyền thúng” đầu tiên tại Việt Nam được hoàn thành, với sự sắp đặt 111 thuyền thúng, được các họa sĩ vẽ lên các tác phẩm thể hiện giá trị, văn hóa bản địa, góp phần tăng thêm sự đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng.
>> Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra Quyết định số 2714/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam định vị rõ nét các dòng sản phẩm du lịch gắn với các vùng du lịch, trong đó, cùng với du lịch biển đảo. |