Hậu Giang: Phấn khởi được mùa cá nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, năm nay, nước lớn, cá nuôi trong ruộng không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán cũng khá hấp dẫn.

Lợi nhuận tăng

Trước đây, tại các vùng trũng như các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang mỗi khi đến mùa nước nổi, nông dân sản xuất vụ lúa thu đông kém hiệu quả nên thường bỏ đồng trống.

Thường mùa nước nổi sẽ bắt đầu từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, nước lũ từ thượng nguồn tràn về mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng, tạo ra hệ sinh thái ngập nước để tôm, cá sinh sôi phát triển. Do đó, sau khi thu hoạch lúa hè thu, nước lũ về dâng ngập nhiều cánh đồng, người dân đã tiến hành bao lưới để nuôi cá trên ruộng. Đây đang là mô hình được nhiều bà con lựa chọn thay vì làm lúa vụ 3 kém hiệu quả hoặc bỏ đồng trống.

Cá nuôi trong ruộng cho năng suất và lợi nhuận hấp dẫn (Ảnh minh họa). Ảnh: ST

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, năm nay, nước lớn, cá nuôi trong ruộng không chỉ đạt năng suất cao mà giá bán cũng khá hấp dẫn.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, năm nay toàn huyện thả nuôi được gần 4.300 ha cá ruộng, vượt kế hoạch gần 1.000 ha. Đến thời điểm này, một số khu vực trong huyện nông dân đã tiến hành thu hoạch cá ruộng để gieo sạ vụ lúa Đông Xuân. Hiện toàn huyện đã thu hoạch được gần 1.200 ha, năng suất bình quân đạt hơn 1 tấn/ha, tăng hơn 300 kg/ha so mọi năm.

Ông Trần Bé Ba, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Hơn 10 năm qua, năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, tôi đều ngóng mùa nước nổi về để mua 20 kg cá giống các loại về thả nuôi trên ruộng lúa có diện tích hơn 5.000 m2. Năm nay khi thu hoạch trọng lượng của mỗi con cá bình quân đạt hơn 1 kg, bán hết gia đình tôi thu về hơn 6 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng so năm trước”.

Sở dĩ nông dân huyện Phụng Hiệp chọn mô hình nuôi cá ruộng thay lúa vụ 3 vì vụ này sản xuất khá trễ, từ thời điểm gieo sạ đến thu hoạch thường gặp bất lợi bởi thời tiết.

Mô hình lý tưởng

Với những hiệu quả về kinh tế, cải tạo đất cũng như giảm thiểu rủi ro từ yếu tố thiên nhiên, nuôi cá ruộng mùa nước nổi ở Hậu Giang đang dần khẳng định là một mô hình sản xuất lý tưởng, biết dựa vào điều kiện tự nhiên để tạo ra nguồn thu nhập ổn định, thay vì bám cây lúa Thu Đông bấp bênh thường xuyên bị đổ ngã, mất mùa trong thời điểm nước lên.

Nuôi cá trong ruộng lúa có chi phí thấp, chỉ cần đầu tư con giống và thức ăn giai đoạn đầu mới thả, khi nước lũ lên để cá vào tự nhiên rồi khoanh lưới. Người nuôi chỉ mua lưới bao quanh ruộng của mình để cá không thoát qua ruộng khác, không cần tốn chi phí thức ăn bởi cá tận dụng nguồn rơm rạ, vi sinh vật trên đồng để tăng trưởng.

Ngoài hiệu quả kinh tế, nuôi cá ruộng mùa nước nổi còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, cá sẽ tận diệt hết các loại rong rêu, côn trùng trên đồng ruộng để làm thức ăn, góp phần vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước, giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa tiếp theo.

Bên cạnh một số loài cá giống như: Cá trê, chép vàng, mè hoa, chim trắng, sặc rằn,… người dân còn dẫn dụ cá rô, cá lóc ngoài tự nhiên vào đồng ruộng để nuôi nhằm tăng số lượng loài và sản lượng khi thu hoạch. Trung bình 1.000 m2 đất ruộng sẽ thả nuôi từ 2 – 3 kg cá giống, sau khoảng ba tháng là thu hoạch với năng suất từ 50 – 60 kg cá thương phẩm.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, năm nay toàn tỉnh thả nuôi được hơn 13.000 ha thủy sản, trong đó diện tích cá ruộng chiếm gần 9.000 ha. Để khuyến khích nông dân phát triển nghề nuôi cá trong ruộng lúa, tỉnh Hậu Giang đã có kế hoạch hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân xây dựng các mô hình nuôi thủy sản, nhân rộng trong sản xuất; ưu tiên các mô hình nuôi liên kết với tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết trực tiếp giữa người nuôi và cơ sở chế biến, tiêu thụ; chú trọng tạo sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thanh Hiếu

Với hiệu quả mang lại cao nhưng chi phí đầu tư thấp, ít chịu rủi ro bởi thời tiết như sản xuất lúa vụ Thu Đông nên nhiều năm qua, người dân ở các vùng đất trũng, đất ở vùng ngoài đê bao đã bỏ hẳn vụ lúa này để thực hiện mô hình nuôi cá trên ruộng trong mùa nước nổi.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!