Hàu Thái Bình Dương: Triển vọng mới cho nghề nuôi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản là loài có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng phân bố rộng. Hiện nay ở nước ta, hàu Thái Bình Dương đang được nuôi thử nghiệm ở Quảng Ninh và Thừa Thiên – Huế bước đầu đem lại hiệu quả.

Nguồn thực phẩm giá trị

Hàu Thái Bình Dương (TBD) được nuôi ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Canada… Đây là loài có kích thước lớn nhất trong các loài hàu. Hàu TBD là loài ăn lọc thụ động, chúng có hình dạng giống với hàu cửa sông, có tỷ lệ chiều cao và chiều dài lớn hơn từ 1/2 đến 1/3 hàu cửa sông. Hàu thành thục có kích thước từ 8 – 15cm. Ở vùng nhiệt đới, tốc độ sinh trưởng của hàu rất nhanh và quá trình sinh trưởng diễn ra quanh năm. Theo thống kê, năm 1950 tổng sản lượng hàu trên thế giới là 150.000 tấn, đến năm 2003 sản lượng đạt 4,38 triệu tấn. Sau 50 năm, sản lượng hàu đã tăng gấp 30 lần.

Tại Việt Nam, không có hàu TBD phân bố tự nhiên, tuy nhiên Trung tâm Giống Thủy sản nước lợ mặn đã thành công sinh sản nhân tạo loài hàu này. Hàu TBD có kích thước cơ thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh. Hàu có vỏ mỏng, ruột nhiều, vị đậm đà, không có mùi tanh. Thịt hàu có giá trị dinh dưỡng cao, giàu kẽm, chất béo thấp, không chứa cholesterol xấu, giảm nguy cơ tim mạch, tăng cường sinh lực cho nam giới, tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Hiện, nhu cầu về loại thực phẩm này trong và ngoài nước rất lớn.

 

Kỹ thuật không khó

Nghề nuôi hàu đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, không phải cho ăn, quy mô đa dạng, sức sinh sản lớn là yếu tố quan trọng để sản xuất giống đại trà. Ngoài ra, hàu còn có giá trị đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái thủy vực, có tác dụng làm sạch môi trường nước tốt. Dựa trên những đặc điểm sinh học của hàu TBD, khi nuôi cần chọn vị trí đáp ứng những tiêu chí độ sâu mực nước 4 – 6m, chất đáy là đá, sỏi, vỏ nhuyễn thể. Môi trường không bị nhiễm bẩn, không có nguồn nước ngọt đổ ra trực tiếp, vị trí nuôi có dòng chảy từ 0,25 – 0,35m/s và độ cao của thủy triều. Nguồn nước có đầy đủ thức ăn, nồng độ muối 20 – 25 ‰, độ trong từ 1,4 – 2m, nhiệt độ 25 – 280C. Vật liệu dùng là giá thể cho hàu thường là vỏ của động vật thân mềm như vỏ điệp, đá vôi, hoặc ngoài ra có thể dùng dây thừng, tre, ống nhựa, sọ dừa… Tùy theo từng điều kiện cụ thể mà chọn giá thể sao cho thu được nhiều ấu trùng nhất, chi phí thấp. Con giống phải đảm bảo kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, màu sáng bóng, không bị dập, vỡ, mỗi giá thể có từ 8 – 10 con giống. Hiện có hai hình thức nuôi hàu là nuôi truyền thống gồm nuôi trên mặt đáy, trên đá và treo trên cọc; nuôi tiên tiến gồm nuôi treo và nuôi rời. Đây là hình thức nuôi phổ biến hiện nay. Nuôi hàu treo (cá thể hàu treo lơ lửng trong môi trường nước) có ưu điểm là hàu có tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao, chi phí thấp, dễ áp dụng. Nuôi hàu rơi là hàu được nuôi trong các khay hoặc túi lưới. Ưu điểm của hình thức này là dễ quản lý và thu hoạch, cho năng suất cao.

Với việc nhân tạo thành công giống hàu TBD sẽ đưa thêm một đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng đi mới triển vọng cho nghề nuôi biển Việt Nam.

>> Tại Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), Công ty Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (Bim Group) đã nuôi thành công hàu Thái Bình Dương. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, trong thời gian 8 – 10 tháng nuôi, hàu đã đạt kích cỡ thương phẩm trung bình từ 65 – 75mm/con, trọng lượng từ 70 – 80g/con và tỷ lệ sống đạt từ 54 – 63%. Để nuôi 2,5 tấn hàu chỉ cần đầu tư một bè nuôi bằng tre hoặc gỗ bạch đàn. Tổng đầu tư ban đầu khoảng 7 – 10 triệu đồng, sẽ thu được lợi nhuận từ 15 – 20 triệu đồng. Hiện giá bán hàu thịt tại Quảng Ninh dao động từ 65.000 – 80.000 đồng/kg.

 

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!